Số liệu từ nghiên cứu của DYN, một công ty chuyên theo dõi hoạt động của các website trên thế giới cho thấy giới chức Iraq đã quyết định cắt Internet định kỳ để ngăn chặn học sinh gian lận trong thi cử.
Dữ liệu của công ty cho thấy, internet đã gần như hoàn toàn bị chặn khoảng 3 tiếng đồng hồ vào các ngày Thứ Bảy (14/5), Chủ Nhật (15/5) và Thứ Hai (16/5) vừa qua. Thời điểm này được xác định trùng với lịch thi cuối năm dành cho học sinh lớp 6.
Trước đó, một nhà cung cấp dịch vụ đã cảnh báo khách hàng về việc Internet có thể bị chặn trong tuần này do yêu cầu từ nhà chức trách. Earthlink, một ISP khác đã gửi một thông điệp tương tự trên tài khoản Facebook của mình hôm 15/5.
Doug Madory, Giám đốc phân tích Internet tại DYN cho biết: “Năm ngoái (2015) mọi người còn hoài nghi về việc internet bị cắt nhưng không có lí do nào giải thích hợp lí hơn khi năm nay việc tương tự lại xảy ra trùng vào lịch thi“.
Bộ Truyền thông của Iraq đã không đưa ra bất cứ lời bình luận nào cho sự việc nêu trên và cũng không có thông tin chi tiết nào được cập nhật trên trang Facebook của cơ quan này.
Chính phủ Iraq trước đây cũng đã từng có hành động chặn truy cập Internet, đặc biệt là các website truyền thông xã hội vì lí do chính trị. Cụ thể, hồi năm 2015, khoảng 1/4 nước này đã bị ngắt Internet trong một nỗ lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng.
Các nhóm nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về hành động cắt Internet của Iraq trong bối cảnh bất ổn chính trị cao tại nước này. “Với tình hình an ninh tại Iraq thì việc cắt Internet có thể là một biện pháp cực đoan. Chúng tôi nghĩ rằng hành động này không cân xứng với những gì mà họ muốn đạt được“, Deji Olukotun, Quản lí toàn cầu của nhóm nhân quyền kỹ thuật số Access Now nói.
Việc cắt Internet để chống gian lận trong các kỳ thi không phải là vấn đề quá mới. Năm 2014, Uzbekistan đã tạm ngưng internet toàn quốc để phục vụ cho các kỳ thi. Đầu năm 2016, bang Gujarat của Ấn Độ cũng đã chặn Internet trong thời gian 4 giờ đồng hồ để ngăn chặn việc gian lận trong đợt kiểm toán cấp quốc gia.
Theo GenK