Iran đã làm ngơ những chỉ trích về việc từ chối cấp thị thực cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào nước này nhằm điều tra xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân.
Chính quyền Tehran tuyên bố, họ có toàn quyền quyết định ai được phép ra vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, sự thiếu thiện chí trong việc cấp thị thực cho một chuyên gia về bom nguyên tử của IAEA vào Iran có thể khắc sâu hơn nghi ngờ từ trước đó của Phương Tây, nước này cố tình chống đối cơ quan năng lượng thuộc Liên Hợp Quốc.
Vào tháng trước, Iran đã từ chối cấp thị thực cho một thanh sát viên trong phái đoàn của Liên Hợp Quốc. Chuyên gia này từng đến Tehran hôm 31/8 để đẩy nhanh cuộc điều tra về chương trình hạt nhân mà Liên Hợp Quốc quan ngại có chiều hướng liên quan tới quân sự, IAEA cho biết.
Đây là lần thứ ba một thanh sát viên của Liên Hợp Quốc, hiện chưa rõ danh tính, không được cấp giấy phép nhập cảnh vào Iran. Chưa rõ liệu nhân vật này có phải là một trong các thanh tra của phái đoàn IAEA tham dự hội đàm tại thủ đô Tehran trong tuần. Cơ quan này từng lưu ý trong bản thông báo về chương trình hạt nhân Iran ra hôm 5/9, “bất kỳ nhân viên nào đã được IAEA chỉ định đều có thể tham gia vào các hoạt động kỹ thuật của tổ chức”.
Tuy nhiên, việc cấp thị thực “thuộc thẩm quyền quyết định của Iran và chỉ cấp thị thực nếu thấy hợp lệ”, trích từ tuyên bố của Tehran gửi cho các nước thành viên IAEA tuần này. Trong nhiều năm qua, IAEA đã cố gắng đào xới để tìm lý lẽ cho cáo buộc Iran đang cố gắng chế tạo bom hạt nhân.
Iran giải thích rằng các chương trình hạt nhân của mình mang tính ôn hòa. Tuy nhiên, Phương Tây nghi ngờ chương trình hạt nhân dân sự là một bình phong che đậy cho mục đích phát triển vũ khí. Chính điều này đã dẫn đến việc Iran bị trừng phạt kinh tế trong những năm qua. Tehran hy vọng, thông qua một loạt cuộc đàm phán với các cường quốc trên thế giới, có thể khai mở được bế tắc này.
Các nước thành viên IAEA có quyền từ chối việc chọn ngẫu nhiên một thanh sát viên được đề xuất bởi Liên Hợp Quốc, trong khi Iran từng có nhiều năm ngăn chặn các nhân viên đến từ một số quốc gia Phương Tây, trong đó có Mỹ, để kiểm tra các cơ sở hạt nhân của họ.
Trong một trường hợp khác, phái đoàn cấp cao của IAEA phụ trách điều tra Iran, đôi lúc có sự tham gia của chuyên viên đến từ Pháp, Mỹ và Anh, đã tổ chức các cuộc họp tại Tehran kể từ đầu năm 2012. Phiên họp gần nhất sẽ diễn ra tuần này. Iran nói đã cấp thị thực đúng thời hạn cho 3 thành viên mới trong nhóm nghiên cứu của IAEA trong mấy tháng qua.
Chương trình hạt nhân “không rõ mục đích”
Các quan chức Phương Tây yêu cầu Iran cần phải hợp tác với cuộc điều tra của IAEA nếu muốn đạt được một bước đột phá về ngoại giao với các cường quốc thế giới.
Báo cáo của IAEA hồi tháng trước cho biết, Iran đã không trả lời được câu hỏi về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của nước này trong khuôn khổ một thỏa thuận hết hạn hôm 25/8.
Đây có thể là trở ngại lớn trong chính sách bang giao xa rộng giữa Iran với các cường quốc Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga.
Iran bác những cáo buộc trên, cho là vô căn cứ trên. Tuy nhiên, để giữ lời hứa khi mới đắc cử tổng thống vào năm ngoái, ông Hassan Rouhani, một người rất thực tế, nói sẽ làm mọi cách để chấm dứt sự cô lập quốc tế. Tehran cũng hứa sẽ cởi mở hơn trong việc làm sáng tỏ những nghi ngờ mà Phương Tây cáo buộc khi làm việc với IAEA.
“Chúng tôi tiếp tục hợp tác với cơ quan IAEA để làm sáng tỏ và giải quyết những điều vẫn còn mơ hồ [về chương trình hạt nhân]“, thông cáo của Iran đối với các nước thành viên thuộc cơ quan năng lượng ra hôm 19/9, nhưng mới được đăng trên trang web của IAEA tuần này.
Trong khi đó, các cường quốc đang tìm cách hạn chế quy mô chương trình hạt nhân của Iran trong tương lai, bằng cách kéo dài thời gian tích lũy vật liệu phân hạch mà nước này cần để sản xuất vũ khí. IAEA đang nỗ lực điều tra những nghiên cứu và thí nghiệm có chủ ý của Tehran để tự chế bom hạt nhân.
Nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh nỗ lực hiện đại hóa năng lực hạt nhân của mình, lĩnh vực đang bị Mỹ và các đồng minh quan tâm, Iran thông tin, Tehran đã lắp đặt thành công máy ly tâm tiên tiến thế hệ mới có tên gọi là IR-8 trong một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở nhà máy làm giàu uranium thuộc thành phố Natanz vào năm ngoái.
Máy ly tâm có thể tinh lọc uranium, nguyên liệu hạt nhân được ứng dụng trong cả dân sự và quân sự. Nước này cho biết, IR-8 là thế hệ “máy ly tâm hoàn toàn mới” và chỉ trích tên gọi “vỏ bọc” trong các báo cáo của IAEA. Nếu Iran có thể thành công trong việc thay thế mô hình máy li tâm IR-1 đang thất bại hiện nay, thì Tehran sẽ có thể tích lũy nguyên liệu chế tạo bom nhanh hơn nhiều.
Thiên Hà, Công Lý – Theo Reuters