Mới đây vào ngày 6/1, hải quân Indonesia đã triển khai thêm 4 tàu chiến đến quần đảo Natuna để cảnh cáo Trung Quốc sau khi nước này đưa thêm tàu hải cảnh tới bảo vệ các tàu cá xâm nhập trái phép vào vùng biển Indonesia…
Xác nhận thông tin trên, sĩ quan Tri Rohadi, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh vùng 1 hải quân Indonesia cho biết, số tàu chiến nói trên sẽ gia nhập với 4 tàu chiến khác đang tuần tra ở khu vực Natuna.
Indonesia điều thêm 4 tàu chiến đối phó tàu Trung Quốc
“Chúng tôi đã có 4 tàu chiến ở đó, nên từ ngày mai sẽ có 8 tàu chiến trong khu vực. Chúng tôi cũng đã có hàng trăm quân nhân ở đó”, sĩ quan Tri Rohadi nói.
Trước đó, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở Natuna từ cuối tháng 12 năm ngoái (2019), và đến nay vẫn chưa rời đi bất chấp công hàm ngoại giao phản đối của Jakarta.
Không những không rời đi, Bắc Kinh còn khẳng định vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống đối với ngư dân Trung Quốc.
Hiện tại, không quân Indonesia và Ban an ninh biển vẫn đang tuần tra ở khu vực này. Họ tiếp cận các tàu Trung Quốc bằng cách liên lạc qua radio.
“Chúng tôi hy vọng họ sẽ rời đi. Những tàu cá này đang đánh bắt trái phép. Nếu họ không đi, chúng tôi muốn đuổi bắt họ để họ hiểu luật Indonesia. Đó là khu vực thuộc quyền chủ quyền của Indonesia”, ông Rohadi cho hay.
Theo quan sát của hải quân Indonesia thì có khoảng 30 điểm trên quần đảo Natuna nhận thấy sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc. Mỗi điểm lại có từ 2 đến 3 chiếc tàu. “Chúng tôi phải hành động một cách thông minh và chính xác. Chúng tôi muốn thực thi pháp luật mà không phải làm leo thang căng thẳng”, ông Rohadi nhấn mạnh.
Cử thêm nhiều tàu cá và hàng trăm ngư dân ra bám đảo
Được biết, ngoài việc khẳng định vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống của Trung Quốc. Nước này còn cho rằng có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với ‘đường 9 đoạn’ phi pháp đã tự vẽ trước đó.
Và để bảo vệ các tàu cá xâm phạm biển Indonesia, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hải cảnh cỡ lớn đến khu vực, bao gồm cả tàu hải cảnh số hiệu 35111 tải trọng 2.000 tấn. Đây là con tàu đã tham gia vào các vụ quấy rối và cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia trong năm 2019.
Trước những diễn biến trên, ông Mahfud MD, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh Indonesia đã thừa nhận rằng, việc để cho tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Natuna là một sai sót của nước này.
Để đối phó, Bộ trưởng Mahfud MD tiết lộ Jakarta sẽ đưa thêm các tàu cá cùng hàng trăm ngư dân đến Natuna trong vài ngày tới. “Bọn họ mò được vào khu vực đó vì chúng tôi thiếu sự hiện diện tại đó“. Theo đó, khoảng 120 ngư dân sẽ được huy động đến khu vực để đối phó với các tàu Trung Quốc.
‘Jakarta sẽ không bao giờ công nhận đường 9 đoạn’
Hôm 1/1, Indonesia đã chính thức lên tiếng từ chối lời mời đối thoại của Trung Quốc nhằm ‘quản lý các tranh chấp’ tại các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, đồng thời tái khẳng định rằng không có yêu sách chồng lấn nào tại đây.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khi ấy cũng ra tuyên bố nói rằng, các tàu Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia được thiết lập dựa trên Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982…
“Indonesia sẽ không bao giờ công nhận Đường Chín đoạn, một yêu sách đơn phương do Trung Quốc đưa ra mà không có sự công nhận hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, ngoại trưởng Indonesia khẳng định.
Hiện tại, Indonesia đã lên kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự mới trực chiến Natuna và phía nam Biển Đông. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu trong năm nay (2020).
Được biết, năm 2016, Indonesia và Trung Quốc cũng từng xảy ra tranh chấp về quyền đánh cá quanh quần đảo Natuna. Indonesia khi đó đã bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép tại Natuna, đồng thời xây dựng một căn cứ quân sự tại khu vực này.
Vũ Tuấn (t/h)