Ít nhất 29 người đã thiệt mạng và nhiều người mất tích do trận lụt nghiêm trọng nhất sau nhiều năm tại thủ đô Jakarta, Indonesia, khi mưa lớn vào đêm giao thừa nhấn chìm nhiều khu vực trong biển nước, theo AFP.
Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý thảm hoạ quốc gia Indonesia, tính đến chiều 2/1, trận lũ lụt đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và nhiều người mất tích, trong đó có một bé trai 8 tuổi và một cụ già 82 tuổi chết do lở đất. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra do hạ thân nhiệt, chết đuối và điện giật. Hơn 30 triệu người dân thủ đô cùng các vùng lân cận phải sơ tán.
“Chúng tôi hy vọng số người chết sẽ không tiếp tục tăng”, Bộ trưởng Xã hội Indonesia Juliari Peter Batubara nói.
Hàng trăm khu dân cư ngập nước đã bị ngắt điện, một số tuyến đường sắt ngừng hoạt động và một trong số sân bay chính ở Jakarta phải đóng cửa.
Ông Ikhsan Asaad, đại diện công ty điện lực nhà nước PLN, cho hay: “Chúng tôi đã ngắt điện ở nhiều khu vực để đề phòng trường hợp người dân bị điện giật”.
AFP cho biết, kể từ ngày 31/12/2019, người dân thủ đô Jakarta đã đón năm mới 2020 trong những trận mưa lịch sử, làm ngập nhiều tuyến đường huyết mạch, khiến hoạt động giao thông tê liệt, đặc biệt là thời điểm giao thừa.
Theo số liệu của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thành phố Jakarta, mực nước đo được lúc 3h30 ngày 1/1 tại cửa xả lũ Manggarai ở khu vực trung tâm Jakarta cao hơn cùng thời điểm này ngày hôm trước là 854 cm.
Các hình ảnh được truyền thông phát đi cho thấy nhiều ngôi nhà và ôtô ngập trong bùn đất, nhiều người dùng xuồng hoặc phao tự chế bằng lốp ôtô để đi lại. “Lũ lụt tấn công mà chúng tôi không được báo trước. Nước ào đến rất nhanh và dâng lên cũng rất nhanh, chúng tôi không kịp sơ tán đồ đạc, xe cộ”, cô Munarsih, cư dân khu phố ngoại ô phía tây Jakarta nói giữa biển nước.
Liên quan đến lũ lụt hoành hành trong các ngày vừa qua tại Jakarta, ông Basuki Hadimuljono, Bộ trưởng Bộ Lao động và Nhà ở Indonesia giải thích, nguyên nhân chính của trận lụt là do lượng mưa lên tới 377 mm và kéo dài bất thường. Tuy nhiên, ông Basuki cũng cho rằng nguyên nhân trận lụt là do Thống đốc Jakarta chưa thực hiện nạo vét lòng sông Ciliwung một cách nhanh chóng.
Một nguyên nhân khác gây ra lũ lụt trên khắp Jakarta và các vùng lân cận là sự chậm trễ của chính quyền trong việc xây dựng 2 đập Ciawi và Sukamahi, nơi nhận lượng nước lớn từ thượng nguồn và sau đó chảy vào Jakarta.
Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo cho biết, vấn đề lũ lụt ở Jakarta, Tangerang, Bekasi, Bogor và nhiều khu vực khác là do hệ sinh thái bị tiêu huỷ.
Lũ lụt đã trở thành vấn nạn thế kỷ của Jakarta và ngày một trở nên nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước ở Jakarta được đánh giá tồi tệ và hiện nay 40% diện tích Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển.
Cho đến nay, chính quyền Indonesia vẫn chưa có phương án giải quyết vấn nạn lũ lụt thủ đô một cách hệ thống, mặc dù đây luôn là vấn đề được đưa ra trong các chiến dịch tranh cử của các lãnh đạo nước này.
Thiện Thành (t/h)