Ai cũng biết hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe, nhưng sự thật là ảnh hưởng của thuốc lá còn sâu và xa hơn nhiều người vẫn tưởng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học y Havard đã cho biết ảnh hưởng của thuốc lá tới ADN là gây sẹo và không phải sẹo nào cũng mờ đi theo thời gian.
Nghiên cứu tổng thể trên 16.000 đối tượng cho thấy phần lớn những vết sẹo ở gien do hút thuốc này sẽ mờ đi trong vòng 5 năm sau khi đối tượng bỏ hút thuốc lá nhưng một số vết lại tồn tại vĩnh viễn.
Vết sẹo này xuất hiện là do quá trình metyl hóa, tức biến đổi ADN khiến gien không hoạt động hoặc hoạt động không đúng chức năng dẫn đến ung thư và những bệnh tật khác. Cụ thể trong trường hợp này hút thuốc ảnh hưởng đến hơn 7.000 gien, tương đương 1/3 số lượng gien của người.
Tim mạch và ung thư đều là hai bệnh do lỗi gien, một số trường hợp lỗi gien là do di truyền, số còn lại là do sinh hoạt hàng ngày, trong đó khói thuốc là thủ phạm lớn nhất.
Đối với những người từ bỏ thuốc lá thì sau 5 năm những biến đổi ADN này sẽ quay trở lại như bình thường. Chỉ có điều 19 gien đã bị biến đổi, trong đó có gien TIAM2 gây ung thư bạch huyết giữ nguyên trạng thái như vậy trong suốt 30 năm.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên một số bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được và là thủ phạm khiến toàn thế giới mất đi 6 triệu người mỗi năm vì bệnh ung thư, tim mạch, bệnh phổi và những bệnh khác. Kể cả sau khi bỏ thuốc thì tác hại đối với sức khỏe vẫn còn và trong khi khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân thì metyl hóa ADN đang được coi là một lời giải thích hợp lý.
Theo baomoi