Từ chỉ lệnh của Tập Cận Bình, “phong trào sạch mâm” cấm lãng phí thực phẩm đã được phát động trên khắp Trung Quốc. Thượng Hải mới đây đã tuyên bố thiết lập một cơ chế báo cáo và khiếu nại, dư luận đặt nghi vấn động thái này phải chăng là “sự tái hiện của Hồng vệ binh”, khiến xã hội trở về thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Chính quyền Thượng Hải ngày 16/8 đã đưa ra thông báo, tuyên bố thiết lập một cơ chế báo cáo và khiếu nại, nhằm chấn chỉnh mạnh mẽ hiện tượng “lãng phí thức ăn”. Thông báo nói, sẽ tập trung tăng cường giám sát các thương vụ tiệc chiêu đãi, đám cưới, đám ma, đám hỏi v.v. các hoạt động ăn uống lãng phí khác, nếu những người bị báo cáo kiên quyết không thay đổi, thì sẽ bị “phê bình, vạch mặt”.
Thượng Hải từng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Cách mạng Văn hóa, thông báo này của chính quyền khiến dư luận xôn xao. Không ít cư dân mạng ví cơ chế báo cáo sắp tới giống như “Hồng vệ binh tái hiện”.
Học giả Ngô Tộ Lai nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, trân trọng thực phẩm và tránh lãng phí thức ăn trước nay luôn là điều tốt, nhưng chính quyền ĐCSTQ đã thực hiện theo một cách khác. “Nó thực sự giống như kế hoạch Đại nhảy vọt những năm 1957 và 1958”.
Cô Mã, một cư dân ở Thượng Hải cho biết, động thái này của chính quyền chỉ là hình thức, bởi vì người dân vốn đã không có điều kiện để lãng phí. “Những người dân chúng tôi đều rất tiết kiệm, không phải là vì chúng tôi muốn thế, mà là vì chúng tôi lãng phí không nổi”.
Ngô Tộ Lai nói: “Tập Cận Bình sinh ra trong thời Cách mạng Văn hóa, trong gia đình có người là Hồng vệ binh. Ông ta bất tri bất giác đã làm ra các hình thức phong trào, chỉ lệnh giám sát giống y như thời Cách mạng văn hóa. Vốn dĩ có thể giải quyết vấn đề theo phương thức thị trường và văn minh, ông ta lại dùng phương thức chính trị, những phương thức rất thấp kém, rất lỗ mãng, quá tin tưởng và lệ thuộc vào quyền lực”.
Cô Mã còn nói, những kẻ chân chính tham ô hủ bại là ở bên trên, những quan chức ĐCSTQ cấp cao đó, các vị bắt sao nổi họ.
Gần đây, các khu vực khác nhau ở Trung Quốc vì để hưởng ứng “phong trào sạch mâm” của ĐCSTQ, đã đề xuất cách đặt món N-1, N-2. Một nhà hàng ở Trường Sa, Hồ Nam thậm chí còn đề xuất “đặt món xưng cân nặng”, ngay lập tức gây sốt trên Internet, cư dân mạng không ngừng than thở: “Trước khi ăn còn phải nói cân nặng, quá khó rồi”.
Không chỉ vậy, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước còn đưa tin rầm rộ về việc một chủ nhà hàng ở Ninh Hạ ăn đồ thừa của một bữa tiệc rượu, gọi đây là “cảnh tượng ấm lòng”, khiến cư dân mạng không khỏi bức xúc. Tin tức nói rằng, chủ nhà hàng này khẳng định, trước tiên là không muốn lãng phí thức ăn, sau nữa là muốn ăn thử món ăn, xem đầu bếp nấu có vấn đề hay không. Ông chủ này còn nói, bình thường thức ăn mà khách ăn thừa sẽ để cho nhân viên ăn.
Trên Weibo có rất nhiều lời chỉ trích: “Tuyên truyền kiểu buồn ói!” “Đổi sang vũ điệu trung thành à?” “Lão đồng chí ơi vở này cũ quá rồi, cho qua đi”.
Theo Ủy ban Công tác Pháp chế của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, các nhà chức trách sẽ sớm xây dựng một bộ luật để ngăn chặn tình trạng lãng phí thức ăn. Ngoại giới phân tích, một khi pháp luật được “hình sự hóa”, những ai lãng phí thức ăn một cách nghiêm trọng sẽ bị khiển trách hoặc bị giam giữ bất cứ lúc nào.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính quyền bất ngờ phát động rầm rộ chiến dịch cấm lãng phí thức ăn, điều này chứng minh Trung Quốc đại lục thật sự có thể xuất hiện cơn khủng hoảng lương thực.
Kể từ tháng 6 năm nay, lũ lụt ở miền Nam, hạn hán ở miền Bắc, và nạn châu chấu ở nhiều vùng, đã khiến phần lớn diện tích sản xuất lương thực ở Trung Quốc bị mất trắng, hoặc sụt giảm. Không ít chuyên gia cảnh báo, nửa cuối năm nay Trung Quốc có thể sẽ rơi vào cảnh khủng hoảng lương thực. Tuy nhiên, các quan chức ĐCSTQ lại tuyên bố rằng năm nay “mùa hạ được mùa”, lừa dối người dân.
Minh Huy (Theo NTDTV)