Đó chính là bánh ngọt Selma – một món ăn truyền thống của Thụy Điển. Món bánh này từng ngon đến mức khiến nhà vua Adolf Fredrik qua đời vì ăn chúng quá nhiều.
Chuyện là vào thế kỷ 18, đất nước Thụy Điển bấy giờ do nhà vua Adolf Fredrik trị vì. Ngày Thứ ba trước tuần chay (Shrove Tuesday/Mardi gras) là ngày cuối cùng được ăn uống thỏa thích trước khi bước vào mùa chay theo tín ngưỡng của người Cơ Đốc giáo.
Vì vậy, nhà vua đã có một bàn tiệc thịnh soạn cao cấp với tôm hùm, cá tầm, cá trích muối, rượu champagne… và nhất là không thể thiếu món bánh Selma có thêm quế và nho khô yêu thích của ông.
Nhà vua rất thỏa mãn với bàn tiệc lớn cùng việc “xử lý” 14 chiếc bánh Selma. Tuy nhiên, cũng chính đêm hôm đó, ông đã đột ngột qua đời vì… khó tiêu nặng.
Vua Adolf Fredrik mất năm 1771, hưởng thọ 61 tuổi. Vậy là cái chết có một không hai của nhà vua là vì ăn nhiều chứ không phải do bệnh tật, chiến tranh hay hạ độc như các nhà vua khác từ xưa đến nay.
Giai thoại này sau đó đã được lan truyền rộng rãi trên khắp đất nước Thụy Điển và cả thế giới, tuy vậy nhưng đối với món bánh “vô tội” kia, người dân nước này vẫn luôn yêu thích và thậm chí còn ưa chuộng hơn. Cũng vì thế, bánh Selma còn có thêm cái tên là “fettisdagen bulle” (bánh của ngày Thứ ba béo).
Ngày nay, bánh ngọt Selma hầu như vẫn được làm theo công thức truyền thống, nên giữ được hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Nguyên liệu chính của bánh được làm từ bột hạnh nhân, lòng trắng trứng, kem tươi và đường mịn phủ bên ngoài. Bánh có vị béo ngậy, thơm và rất mềm mịn. Bánh Selma thường có trong văn hóa fika tụ tập ăn uống và trò chuyện của người Thụy Điển, rất được người dân trên đất nước này và cả thế giới ưa chuộng.
Mạch Khê (t/h)