Sau lệnh bị Mỹ cấm vận, Huawei đáp trả bằng cách yêu cầu toàn bộ nhân viên mang quốc tịch Mỹ rời khỏi trụ sở tại Trung Quốc về nước.
Dang Wenshua, kiến trúc chiến lược trưởng của Huawei, tiết lộ các nhân viên người Mỹ đang làm việc bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei đã trở về Mỹ từ 2 tuần trước, ngay sau khi chính phủ đưa tập đoàn Trung Quốc vào danh sách đen, cấm giao dịch thương mại.
Theo ông, chính Huawei đã yêu cầu những nhân viên này phải rời khỏi trụ sở chính ở Thẩm Quyền, sau khi nhận thông báo cấm vận từ chính quyền của Tổng thống Trump. Thậm chí, một cuộc họp quan trọng diễn ra lúc đó cũng bị huỷ bỏ và những người có quốc tịch Mỹ được yêu cầu cất máy tính, ngắt kết nối và rời khỏi văn phòng của Huawei. Sau đó, những du khách tới thăm quan trụ sở chính của công ty Trung Quốc cũng bị kiểm tra an ninh để đảm bảo không mang hộ chiếu Mỹ.
Huawei cũng mất vài ngày để thực hiện những thay đổi quan trọng đối với cách các văn phòng của họ ở Trung Quốc và Mỹ giao tiếp với nhau, nhằm đảm bảo tất cả các tương tác của họ đều tuân thủ danh sách đen thương mại của Mỹ, vốn yêu cầu các nhà cung cấp Mỹ phải xin phép chính phủ bán các bộ phận và các thành phần cho Huawei.
Một đối tác Mỹ làm việc tại Trung Quốc cho biết đã rất ngạc nhiên khi nhận được tin nhắn từ bộ phận liên hệ kinh doanh của Huawei rằng họ đã hoãn mọi liên lạc cho đến khi có thông báo mới. Nội dung tin nhắn cho biết: “Vì quy định của chúng tôi, chúng tôi không được phép gặp công dân Mỹ để thảo luận về các vấn đề liên quan đến công nghệ”.
Đây là hành động leo thang của Huawei sau khi công ty bị Mỹ liệt kê vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại Mỹ với cáo buộc gián điệp, dẫn đến việc một loạt công ty Mỹ ngừng hợp tác với Huawei như Google, Intel, Broadcom…
Phía Huawei liên tục phủ nhận điều này và cho rằng chính quyền Mỹ đang tìm cách tạo ra một sự phân ly trong thế giới công nghệ, một phần do lo ngại về hoạt động gián điệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ, cũng như một phần là nỗi sợ hãi về sức mạnh công nghệ đang đi lên của Trung Quốc. Huawei cho rằng việc công ty trở thành nhà cung cấp viễn thông lớn nhất toàn cầu đã tạo ra nỗi sợ hãi cho Mỹ.
Huawei còn khẳng định hãng này là tư nhân và chính phủ Mỹ không có một bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh, tất cả chỉ là đồn đoán. Tuy nhiên, khi được hỏi 2 vị sếp cao cấp có mặt trong cuộc họp báo rằng họ có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không, thì một người nói không, còn người kia không trả lời.
Mặc dù trên thực tế Huawei từng cung cấp nhiều hàng hóa cho phía Mỹ, nhưng chính công ty này cũng mua một lượng lớn công nghệ và dịch vụ tại đây. Doanh nghiệp Trung Quốc từng khẳng định họ có phương án dự phòng, như mua đủ chip dùng trong một năm hay có nền tảng mới thay thế Android, nhưng khả năng kinh doanh của họ trên thị trường ngoài biên giới Trung Quốc vẫn đang bị nghi ngờ, bởi hầu hết công nghệ cốt lõi đều do phía Mỹ nắm giữ
Eric Crusius, đối tác của công ty luật Holland & Knight cho rằng không thể ước lượng được những khó khăn mà Huawei phải đối mặt khi vướng vào cấm vận thương mại này. Việc ngừng liên lạc giữa công ty với nhân viên và văn phòng Mỹ sẽ làm cho họ bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Được biết, nhiều khả năng sẽ có thêm 5 công ty công nghệ ‘khủng’ của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen và áp dụng lệnh cấm giống Huawei. Trong đó đa phần là các công ty sản xuất thiết bị và camera giám sát.
Theo đó, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc xem có nên đưa Hikvision, Dahua và 3 công ty khác vào danh sách đen hay không. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu linh kiện và phần mềm từ các công ty Mỹ.
Anh Thư (t/h)