Các khu vực bị đại dịch Vũ Hán gây ảnh hưởng nặng nhất bên ngoài Trung Quốc đều có chung một điểm: Có quan hệ gần gũi hoặc sinh lợi với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ecuador cũng không phải là ngoại lệ, theo The Epoch Times.
Ecuador ‘ảm đạm’
“Vào lúc này, cả bầu trời Guayaquil đều bị bao phủ bởi một màu xám xịt”, María Leonor Inca, một nhà báo địa phương làm việc tại Ecuador đăng trên Twitter vào ngày 2/4.
Guayaquil, thành phố lớn nhất và là thành phố cảng chính của Ecuador, đã bị virus corona chủng mới – còn được gọi là virus ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) gây ảnh hưởng nặng nề. Thị trưởng thành phố này gần đây cũng đã được xác nhận dương tính với virus ĐCSTQ.
“Số ca tử vong đã lên tới 150, xác chết được đưa đến hàng ngày”, ông Jorge Wated, lãnh đạo một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách về virus Vũ Hán của chính phủ nói với tờ El Universonewspaper. “Với sức chứa của nhà xác trong thành phố, một lượng lớn các thi thể có thể phải chờ ngoài vỉa hè và đặt trong nhà”, ông cho biết thêm.
Một điều khó hiểu là tại sao Ecuador lại bị virus tấn công mạnh mẽ như vậy trong khi đất nước này nằm cách xa tâm chấn dịch bệnh của Trung Quốc?
Một bài xã luận của thời báo The Epoch Times có viết: “Nơi nào gắn bó mật thiết với ĐCSTQ, nơi đó có người nhiễm virus corona”. Bài báo gợi ý “Các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nhất bên ngoài Trung Quốc đều chung một điểm: Có quan hệ gần gũi hoặc sinh lợi với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.“
Trên thực tế, quả thật có nhiều yếu tố “thân Bắc Kinh” trong hình thái chính trị của Ecuador.
Hợp tác chiến lược giữa Ecuador và ĐCSTQ
Vào tháng 1/1980, ĐCSTQ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Ecuador. Từ đó, vào năm 1997, cứ hai năm một lần, Trung Quốc và Ecuador đã thiết lập một hệ thống tham vấn chính trị. Đến ngày 8/1/2007, tỉnh El Oro của Ecuador và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ anh em.
Tháng 12/2010, với sự đầu tư của Đại học Dầu khí Trung Quốc Bắc Kinh, Trung Quốc đã tài trợ thành lập Viện Khổng Tử tại trường Đại học San Francisco of Quito, Ecuador.
Tháng 1/2015, Tổng thống Ecuador lúc đó là Rafael Vicente Correa Delgado đã đến thăm Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc và Ecuador đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Đến tháng 11/2016, Ecuador và Trung Quốc đã nâng mối quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tháng 8/2016, Ecuador và Trung Quốc đã hủy bỏ các yêu cầu về thị thực cho các công dân trong nỗ lực tăng du lịch hai chiều. Ecuador là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên thực hiện miễn thị thực cho công dân Trung Quốc.
Vào ngày 12/12/2018, Tổng thống Lenin Moreno Garces của Ecuador đã đến thăm Trung Quốc. Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết một số phương diện hợp tác, bao gồm một bản ghi nhớ cùng nhau quảng bá Vành đai và Con đường (còn gọi là Một Vành đai, Một con đường) – sáng kiến của Bắc Kinh nhằm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Mỹ Latinh, châu Phi, khu vực trung và nam Á.
Trung Quốc hoan nghênh Ecuador thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ thông tin và năng lượng mới.
Hiện tại, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ecuador.
Các công ty Trung Quốc ở Ecuador
Theo truyền thông Trung Quốc, hiện tại có hơn 90 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Ecuador, với các dự án bao gồm bảo tồn nước và thủy điện, xây dựng cầu đường, khai thác mỏ đồng, an toàn công cộng và các lĩnh vực khác.
Vào ngày 25/11/2015, Tập đoàn Gezhouba Trung Quốc (CGGC) đã ký hợp đồng giai đoạn I để xây dựng Thung lũng Silicon cho Ecuador tại Yachay, cách thủ đô Quito 120 km về phía Bắc. Dự án bao gồm việc lên kế hoạch và thiết kế một số trung tâm nghiên cứu công nghệ, phòng thí nghiệm và trường đại học, sẽ được tích hợp với các khu công nghiệp và khu phát triển du lịch. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2049.
Vào ngày 16/8/2016, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Phó Tổng thống lúc bấy giờ của Ecuador, ông Walter Graffiti đã khánh thành nhà máy cáp quang đầu tiên của Ecuador ở phía nam tỉnh Guayas. Wang Yulin – Đại sứ Trung Quốc tại Ecuador cũng tham dự lễ khai mạc.
Nhà máy cáp quang là kết quả liên doanh giữa Tổ chức Telconet của Ecuador và Công ty Fiberhome Technologies.
Đây là nhà máy cáp quang lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư ước tính từ 15 đến 20 triệu USD. Tập đoàn Công nghệ Fiberhome chiếm 51% cổ phần, trong khi Telconet sở hữu 49% cổ phần.
Vào ngày 18/7/2019, Tổng thống Ecuador Lenín Moreno đã tham dự cuộc thử nghiệm mạng 5G đầu tiên tại Quito, được trình diễn bởi tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc và Tập đoàn viễn thông quốc gia Ecuador. Tại buổi lễ, ông Moreno đã không tiếc lời ca ngợi những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Hủy buổi biểu diễn Shen Yun
Vào năm 2015, đoàn nghệ thuật biểu diễn Shen Yun tại New York đã được thành lập để thực hiện một chương trình kịch múa mang tên “Monkey King” ở thủ đô của Ecuador. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần trước khi buổi biểu diễn được tiến hành, Nhà văn hóa Ecuador đã đình chỉ hoạt động của họ tại Nhà hát Quốc gia, tác động đến các buổi biểu diễn Shen Yun vốn đã được lên kế hoạch từ ngày 23 và 24/5/2015.
Alejandro Nadal, phát ngôn viên của người dẫn chương trình Shen Yun ở Ecuador nói với nhóm vận động báo chí địa phương Fundamedios.org rằng, việc đình chỉ hoạt động này là bất hợp pháp, vì họ có đầy đủ tất cả các giấy phép hoạt động. Ông Nadal cho biết ông tin vụ việc là một phần trong mục tiêu rõ ràng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador nhằm mục đích hủy các buổi biểu diễn Shen Yun.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador cũng bị cáo buộc tìm cách hủy bỏ sự kiện Shen Yun trong tháng trước. “Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để nói rằng có thể họ đang vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Ecuador, rằng họ đang kiểm duyệt văn hóa ở một quốc gia dân chủ thông qua một quốc gia nước ngoài”, ông Nadal nói.
Theo Đoàn Nghệ thuật biểu diễn Shen Yun, các địa điểm nhà hát nơi công ty biểu diễn thường bị các quan chức địa phương Trung Quốc gây áp lực phải hủy các buổi biểu diễn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chương trình của Shen Yun bị hủy bỏ ở Mỹ Latinh.
ĐCSTQ đã mở rộng sự kiểm duyệt của mình ra nước ngoài và chính phủ Ecuador đã phải chịu nhún nhường trước các yêu cầu của họ.
Thay vào đó, các quan chức Ecuador đã tham dự các buổi biểu diễn do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức, như buổi biểu diễn Tết Nguyên đán tháng 2/2016 với một nhóm nghệ thuật từ tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc và buổi dạ tiệc tháng 1/2020 tại Đại sứ quán Trung Quốc để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhiều quan chức hàng đầu của Ecuador đã tham dự, bao gồm các bộ trưởng văn hóa, quốc phòng và giáo dục.
Đập và trạm thủy điện
Đập Coca Codo Sinclair là một dự án thủy điện thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ ở Ecuador. Đập dài khoảng 75km (46,6 dặm) nằm về phía đông của thủ đô Quito, trên sông Coca. Đây là dự án năng lượng lớn nhất Ecuador.
Con đập được xây dựng bởi công ty nhà nước Sinohydro Corporation với giá trị 2,25 tỷ USD. Trung Quốc cấp cho Ecuador khoản vay 1,68 tỷ USD để bù đắp cho 85% của 2 tỷ USD, với lãi suất 6,9%.
Dự án đã bị chỉ trích vì vượt quá chi phí, sai sót kỹ thuật và tham nhũng. Ecuador cũng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nặng nề vì các khoản vay mà họ nhận được từ Trung Quốc. Chỉ riêng tiền lãi mà Ecuador phải trả cho Trung Quốc hàng năm đã lên tới 125 triệu USD trong thời gian 15 năm.
Quy trình thử nghiệm sức mạnh của con đập thủy điện này đã hoàn toàn thất bại sau khi được khánh thành vào năm 2016.
Thời báo New York Times đã nêu ra nhiều vấn đề của con đập trong báo cáo tháng 12/2018. “Đập nước khổng lồ này được thi công trong rừng rậm, được tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc, được cho là tham vọng Ecuador trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng và giúp đưa đất nước Nam Mỹ nhỏ bé thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, nó đã trở thành một phần của vụ bê bối quốc gia và nhấn chìm đất nước trong nạn tham nhũng, những khoản nợ nguy hiểm ngập đầu và một tương lai lệ thuộc Trung Quốc”.
Bài viết cũng cho biết: “Gần như mọi quan chức hàng đầu của Ecuador liên quan đến dự án xây dựng đập đều bị cầm tù hoặc bị kết án tội nhận hối lộ. Bao gồm một cựu phó tổng thống, một cựu bộ trưởng điện lực và thậm chí là cựu quan chức giám sát dự án chống tham nhũng, người bị ghi âm lại cuộc nói chuyện liên quan đến việc nhận hối lộ của Trung Quốc”.
Một báo cáo của tờ LA Times lấy dữ liệu từ báo cáo năm 2018 do văn phòng kiểm soát viên của chính phủ Ecuador ban hành cho biết nhà thầu Trung Quốc của dự án đập đã bỏ qua một quy định trong hợp đồng là phải xây dựng con đập theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Hiệp hội kỹ sư cơ khí Mỹ đặt ra.
Theo LA Times, báo cáo của chính phủ cũng tiết lộ các hành vi mờ ám của Sinohydro Corp, bao gồm cả việc sử dụng vật liệu xây dựng và phương pháp xây dựng không đạt tiêu chuẩn, cũng như các mối hàn kém chất lượng. “Người Trung Quốc đã sử dụng thép chất lượng kém và sa thải các thanh tra viên cho biết sẽ thay đổi loại thép chất lượng kém”, cựu bộ trưởng năng lượng Fernando Santos nói với LA Times.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tránh nói về những sai sót của dự án và tham nhũng đằng sau con đập. Họ đã ca ngợi sự thành công của dự án, gọi đó là một dự án mang tính bước ngoặt cho các công ty Trung Quốc.
Tác giả: Tian Yun
Ngân Khánh (Theo The Epoch Times)
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT Tinh Hoa.