Các phương tiện truyền thông đã chuyển hướng chú ý từ Hồng Kông tới chuyến thăm của Tổng thống Obama ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, sinh viên và các nhà hoạt động ở Admiralty và Mong Kok cùng với yêu cầu cải biến chính trị vẫn chưa dịu xuống.
Chưa có điều gì chắc chắn những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng có thể đạt được mục tiêu về một cuộc bầu cử trưởng đặc khu cởi mở hơn vào năm 2017. Nhưng họ có thể đạt được một điều quan trọng hơn khi nhắc nhở tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc rằng, phẩm chất con người quý giá hơn rất nhiều so với vật chất và tiện nghi. Phẩm chất ấy chính là một đời sống chính trị tự do và chủ động.
Bản sắc Hồng Kông
Tất nhiên, có sự khác biệt đáng kể về văn hóa, xã hội và chính trị giữa Hồng Kông và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Hồng Kông năm 2014 không phải là Bắc Kinh năm 1989. Quả thật, chính sự khác biệt đó đã tạo ra sự khôn ngoan vốn là bản sắc “người Hồng Kông”.
Kể từ khi cựu thuộc địa Anh Quốc được chuyển giao thành “Đặc khu Hành chính” cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997, phần lớn người dân Hương Cảng không tin tưởng sự điều hành của chính quyền Bắc Kinh. Sự nghi ngờ này bắt nguồn từ việc đa phần quyết sách của chính quyền Hồng Kông trong việc chọn Trưởng Đặc khu vẫn gián tiếp thông qua Bắc Kinh.
Một cuộc biểu tình lớn được cho là phi chính trị đã diễn ra ở thành phố cảng vào năm 2003. Khi đó, chính quyền Hồng Kông đã cố gắng, theo chỉ đạo từ Bắc Kinh, ban hành “luật chống lật đổ”. Điều luật này có thể làm xói mòn các quyền tự do dân sự mà người dân Hồng Kông đang có. Đối mặt với áp lực từ cộng đồng, dự luật đã dần vào quên lãng.
Vào năm 2012, một lần nữa người dân Hồng Kông lại xuống đường phản đối những nỗ lực của lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh nhằm kiềm chế tự do ngôn luận. Người dân cho rằng, chính quyền địa phương đã cố áp đặt chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường tiểu học và trung học. Thêm một lần nữa, chính phủ đã phải lùi bước.
Trong khi, bản sắc văn hóa Hồng Kông và mối bất bình về kinh tế cũng đóng vai trò chính trong các cuộc biểu tình hiện nay. Rõ ràng, nhiều người đã nhận ra các giá trị tự do về chính trị mới chính là nền tảng cuộc sống của bản thân họ. Quyền tự do và quyền công dân là những vấn đề chính, chúng có ý nghĩa đối với mỗi người Hồng Kông.
Không đề cập đến xã hội dân sự
Vấn đề này của người dân Hồng Kông cũng tương tự như ở các nước công nghiệp tiên tiến khác trên thế giới, không chỉ ở châu Âu và Bắc Mỹ, mà còn ở Đông Á. Mặc dù, tự do về chính trị có thể khoác lên nhiều hình thức, và đưa đến một loạt cấu trúc hiến pháp, nhưng quan trọng là giá trị cốt lõi vẫn được tăng cường nhờ sự năng động của các nền kinh tế tương đối thông thoáng và thịnh vượng.
Và đó chính là vấn đề mà lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt trong phong trào bảo vệ tự do dân sự ở Hồng Kông. Chính quyền đại lục đã được hưởng rất nhiều lợi ích trong suốt bốn thập kỷ “cải cách và mở cửa” kinh tế. Xã hội và văn hóa của quốc gia này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Theo một số nhận định, Trung Quốc có thể đi theo con đường dân chủ rực rỡ như Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia. Tuy nhiên, đảng chấp chính vẫn không ngừng hạn chế những tác động chính trị từ cuộc chuyển đổi kinh tế và xã hội này.
Cụm từ “Diễn biến hòa bình” ám chỉ rằng hiện đại hóa khiến Trung Quốc bị “lai Tây” rồi dần chuyển đổi thể chế nước này thành nền dân chủ đa đảng tự do. Điều này trở thành mục tiêu đấu tranh ý thức hệ của chính quyền Bắc Kinh từ những năm 1980. Tuy nhiên, sự sụp đổ của khối Liên Xô cũ vẫn còn ám ảnh Bắc Kinh. Năm ngoái, Đảng đã đưa ra cảnh báo nhằm chống lại “bảy điều không được đề cập đến” bao gồm: “dân chủ, các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, chủ nghĩa thị trường tự do, phương tiện truyền thông độc lập, chỉ trích sai phạm trong lịch sử Đảng (chủ nghĩa lịch sử hư vô), và nghi vấn về chính sách cải cách mở cửa cũng như bản chất của chế độ”.
Tất cả những điều này không chỉ được nhắc đến tại Hồng Kông mà còn được thực thi rộng rãi.
Quyền lực chuyên chế so với sự tự do rộng mở
Để lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh phải vất vả hơn nhằm duy trì quyền cai trị tối cao bên trong một xã hội và kinh tế đặc thù ngày càng năng động ở đại lục, các nhà hoạt động Hồng Kông không ngừng công khai và kiên quyết yêu cầu tự do hơn về chính trị ở đặc khu này. Đây không phải là những gì mà ông Đặng Tiểu Bình hình dung về “một quốc gia, hai chế độ”.
Cốt lõi của “Cách mạng Ô” là yêu cầu có được tự do và dân chủ hơn ở Hồng Kông. Cuộc cách mạng này là biểu tượng đại diện cho tầng lớp trung lưu chiếm số đông ở đặc khu trong cán cân hệ thống chính trị bị chi phối bởi các nhà tài phiệt và các quan chức thân Bắc Kinh.
Cuối cùng, điều này có thể sẽ truyền cảm hứng cho tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc. Đây là điều cần thiết cho một nền chính trị vốn đang ngày càng gia tăng bất bình đẳng, tham nhũng, đấu tranh bạo lực cũng như các vấn nạn liên quan khác.
Cách đây không lâu, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi “cải cách chính trị” để tránh tình trạng kinh tế trì trệ và biến cố xã hội.
Rõ ràng, điều này không thể xảy ra ngay lúc này. Bởi vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang là người thu gom quyền lực chứ không phải nhà cải cách chính trị. Và đối với nhiều người Trung Quốc, Hồng Kông chưa phải là mô hình chính trị mẫu mực. Theo một loạt các bài bình luận trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, hoạt động ở Hồng Kông được miêu tả là đứa trẻ hư hỏng, vô ơn trước những lợi ích tốt đẹp mà lãnh đạo nhân từ của đảng ban cho.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Khi nền kinh tế trì trệ cùng các vấn nạn xã hội vẫn còn dai dẳng thì tầng lớp trung lưu tri thức chưa có việc làm, bất bình trước thể chế chính trị đương thời có thể noi gương thành tựu của Hồng Kông.
Theo thời gian, chiếc Ô của Hồng Kông có thể phát huy tác dụng nếu cơn mưa chính trị gột rửa Bắc Kinh.
Theo Đại Kỷ Nguyên