Cựu lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh đã đưa ra phần thưởng trị giá 1 triệu đô la Hong Kong cho bất kỳ ai có thể xác nhận được danh tính của người biểu tình đã hạ lá cờ Trung Quốc ném xuống biển hôm 3/8.
Trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong diễn ra vào hôm thứ Bảy (ngày 3/8), một số hình ảnh được công bố cho thấy một người đàn ông mặc đồ đen, đội mũ bóng chày, che mặt bằng khăn quàng cổ đã trèo lên cột cờ tại trạm Star Ferry ở quận Cửu Long và kéo lá cờ xuống.
Sau khi tranh luận có nên sơn đen lá cờ hay không, họ quyết định ném nó xuống biển trước khi cảnh sát can thiệp.
Ngay ngày hôm sau, Cựu trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh đã đưa ra số tiền thưởng 1 triệu đô la Hong Kong (gần 3 tỷ VND) cho ai biết thông tin về người đã ném lá cờ xuống biển, đồng thời sẽ bắt anh ta phải chịu trách nhiệm cho hành động mà ông nói sẽ gây ra “sự phẫn nộ lớn trên toàn quốc gia”.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ hơn 20 người trong suốt các cuộc biểu tình diễn ra vào hôm thứ Bảy. Một đường hầm lớn đã bị chặn đứng và một đồn cảnh sát đã bị tấn công.
Video cảnh lá cờ Trung Quốc bị người biểu tình kéo xuống.
Những người biểu tình bị bắt giữ vì đã tụ tập bất hợp pháp, hành hung và thực hiện các hành vi phạm tội khác sau khi cuộc tuần hành được lên kế hoạch từ trước chuyển thành cuộc đối đầu bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.
Cảnh sát cho biết một số người biểu tình quá khích đã ném cả bom xăng, gạch, chai thủy tinh và các vật thể khác vào các sĩ quan và từ chối giải tán tại địa điểm đã thỏa thuận.
Kênh truyền hình Sky News (Anh) đã quay lại được hình ảnh những người biểu tình chặn đứng một đường hầm lớn nối giữa đảo Cửu Long và Hong Kong. Trong khi đó những người khác vây quanh 2 đồn cảnh sát và làm hỏng các phương tiện đỗ trong một bãi đậu xe.
Ở một khu vực khác, cảnh sát cho hay những người biểu tình đã ném cả pháo hoa và phá vỡ cửa sổ trên các tòa nhà dân cư, đe dọa sự an toàn của người dân địa phương.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra liên tục nhiều tuần nay, bắt đầu là phản đối luật dẫn độ cho phép dẫn độ người từ Hong Kong đến Trung Quốc đại lục để xét xử. Nhiều người lo lắng rằng chính phủ có thể sử dụng luật này để bịt miệng những người phản đối sự cai trị của Bắc Kinh.
Kể từ đó các cuộc biểu tình đã ngày càng lan rộng để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đồng thời là lời kêu gọi chung cho các quyền dân chủ của người dân Hong Kong.
Đây cũng được coi là một thử thách to lớn cho cam kết của nhà lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đối với các quyền tự do được ghi nhận trong thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” như đã đồng ý với Anh khi lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.
Thiện Thành (Theo Sky News)