Sau cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong vừa qua, những người tham gia đã rất văn minh, lịch sự khi ở lại đến sáng để dọn dẹp đường phố, trả lại vẻ sạch sẽ không tì vết cho những con đường vào ngày hôm sau.
2 triệu người xuống đường phản đối luật dẫn độ của Bắc Kinh
Hôm 16/6 vừa qua, khoảng 2 triệu người Hong Kong đã xuống đường để phản đối luật dẫn độ mới do chính quyền Bắc Kinh đề xuất.
Luật dẫn độ sẽ cho phép Bắc Kinh đưa nghi phạm Hong Kong sang Trung Quốc đại lục để đối mặt với hệ thống tòa án vốn không minh bạch do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Các nhà phê bình nói rằng điều này làm giảm đáng kể quyền lợi của người dân Hong Kong.
Cuộc biểu tình ôn hòa kết thúc khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu Hong Kong đồng ý sẽ hoãn thảo luận dự luật dẫn độ vô thời hạn. Tuy nhiên, người dân Hong Kong muốn dự luật phải được bãi bỏ hoàn toàn, đồng thời yêu cầu bà Lâm từ chức.
“Đình chỉ một điều luật nhưng không hủy bỏ nó giống như đang kề dao vào cổ người khác và nói rằng ‘Bây giờ ta chưa có ý định giết ngươi đâu’. Nhưng người đó vẫn có thể ra tay bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ đang đấu tranh cho sự tự do của mình”, Betty, một học sinh vừa tốt nghiệp trung học gần đây, chia sẻ với The Guardian.
Các tuyến phố không còn mảnh rác sau cuộc biểu tình
Một điều đáng chú ý trong cuộc biểu tình quy mô lớn này là sáng hôm sau, khi biển người tràn ngập thành phố rời đi, các con đường đã trở lại sạch bong “không tỳ vết”.
Được biết, những người dân Hong Kong, phần đông là giới trẻ, đã ở lại đến sáng để dọn dẹp những con đường này. Họ đã dọn sạch rác do hàng triệu người để lại chỉ trong một đêm. Hành động lịch sự ấy của những người biểu tình đã nhận được sự tán dương của dư luận trên khắp các cộng đồng mạng.
Tác giả Kong Tsung-gan viết trên Twitter vào sáng sớm 17/6: “Những người tham gia biểu tình trên đường đang quét dọn rác lần cuối. Hai triệu người đã tuần hành qua đây hôm qua. Con đường bị chiếm đóng cả đêm, nhưng chẳng có lấy một mẩu rác nhỏ nào trên đường vào hôm sau”.
Ennie Chan cũng được chứng kiến điều tương tự và chia sẻ với tờ Independent: “Tôi cũng có mặt ở đó và nhìn thấy mọi việc… Đêm qua tôi đã chứng kiến nhiều người trẻ cầm túi trên tay và nhặt rác mang đi. Có rất nhiều người đã tham gia dọn rác”.
Video: Người dân ở lại don rác đến 2h sáng sau cuộc biểu tình ngày 12-6 tại Hong Kong. (Nguồn: Twitter)
Đây là lần thứ hai người Hong Kong khiến cả thế giới nể phục vì ý thức của họ. Lần dọn dẹp đường phố đầu tiên được thực hiện sau cuộc biểu tình rầm rộ vào ngày 12/6, cũng vào lúc 2 giờ sáng.
Những hình ảnh đẹp khác…
Bên cạnh việc dọn sạch rác trong cuộc biểu tình đông đảo ở Hong Kong vừa qua là nhiều hình ảnh đẹp khác. Những người chứng kiến đã vô cùng ấn tượng trước mức độ văn minh và lòng tốt của người dân nơi đây.
Một người tên Cathy cho biết: “Tôi nghe nói có người bị ngất ở đằng trước chúng tôi. [Không lâu sau] xe cứu thương đến và một người đã đứng ra đề nghị đám đông tách sang hai bên nhường chỗ cho xe cứu thương. Cuộc biểu tình không hề hỗn loạn chút nào. Mọi người rất lịch sự và có tổ chức. Tôi cảm thấy rất xúc động. Chúng tôi chắc chắn không phải là những kẻ bạo loạn!”
Thật vậy, chiếc xe cấp cứu di chuyển rất thuận lợi trên con đường đông nghẹt. Xe đi tới đâu, biển người liền dạt ra đến đó để nhường đường. Một người dùng Twitter khác gọi đó là “cảnh tượng đẹp nhất ở Hong Kong”.
Video: Biển người biểu tình ‘rẽ sóng’ nhường lối cho xe cứu thương
Một học sinh trung học giấu tên cũng chia sẻ tương tự với The Independent: “Cuộc biểu tình hôm qua thật tốt đẹp. Những người biểu tình thực sự rất lịch sự. Có rất nhiều người lớn tuổi cũng tham gia. Khi họ cảm thấy không khỏe, mọi người xung quanh sẽ dìu họ, đưa nước hoặc bánh mì cho họ, đồng thời nhắc nhở những người khác nên cẩn thận. Trẻ em trong cuộc biểu tình cũng được cho những miếng làm mát để làm dịu cơ thể”.
Những nghĩa cử tốt đẹp ấy của người dân Hong Kong đã nhanh chóng được lan tỏa trên khắp các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội, khiến người dân khắp nơi không khỏi xúc động và thán phục. Đây chắc hẳn không phải là một cuộc biểu tình “bạo động” như lời chính quyền, mà chỉ là một lần “biểu đạt ý kiến với quy mô lớn” của người dân Hương Cảng, với mong muốn giữ lại những giá trị mà họ vẫn bảo vệ và tin tưởng từ trước đến nay.
Thùy Linh (t/h)