Thương mại Hong Kong đang liên tục bị gián đoạn trong bối cảnh hơn 500.000 người biểu tình kêu gọi một cuộc tổng đình công trên toàn lãnh thổ. Hơn 100 chuyến bay đã bị hủy. Chiến dịch phản đối chính quyền đặc khu đang ngày càng lan rộng và mất kiểm soát.
Cuộc đình công diễn ra sau khi xuất hiện những cuộc biểu tình liên tiếp đi kèm bạo lực vào cuối tuần qua (ngày 4/8). Theo lời kêu gọi, hơn 500.000 người từ hơn 20 lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ tham gia vào cuộc đình công lớn nhất hàng thập kỷ qua tại Hong Kong, nhằm gây áp lực lên chính quyền đặc khu.
Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 5/8, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đặc khu trưởng Hong Kong, cho biết biểu tình leo thang khiến kinh tế nơi này tổn hại nghiêm trọng.
Cảnh sát đã bắt giữ 44 người sau những đợt đụng độ bạo lực vào ban đêm. Họ cũng đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình và đám đông di chuyển khắp thành phố.
Thành phố do Trung Quốc kiểm soát này đang rơi vào tình thế cấp bách sau nhiều tháng biểu tình liên tục, ban đầu chỉ là kháng nghị luật dẫn độ cho phép Trung Quốc dẫn người dân Hong Kong qua đại lục xét xử, nhưng sau đó dần tiến triển mạnh hơn và trở thành lời kêu gọi vì dân chủ.
Các cuộc biểu tình đã nhiều lần khiến văn phòng chính phủ phải đóng cửa, các tuyến đường bị chặn đứng và thương mại bị gián đoạn.
Theo truyền thông Hong Kong, tập đoàn điều hành đường sắt MTR đã thông báo tạm dừng các dịch vụ giữa khu mua sắm sầm uất của Vịnh Causeway và Vịnh Quarry trên đảo Hong Kong. Các dịch vụ từ Kowloon Tong đến các trạm gần biên giới với Trung Quốc đại lục cũng bị gián đoạn.
Do điều kiện giao thông kém, Bộ Lao Động đã kêu gọi các nhà tuyển dụng bày tỏ sự cảm thông với các nhân viên và linh hoạt sắp xếp công việc cho họ.
Cuộc tổng đình công này là lần thách thức lớn nhất đối với Hong Kong kể từ khi nó được Anh trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997.
Những năm gần đây, nhiều người Hong Kong đã cáo buộc Bắc Kinh làm xói mòn quyền tự chủ của họ thông qua việc bắt giữ những người bán sách và nhà hoạt động xã hội.
Những tình cảm như vậy đã thúc đẩy các cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, được khơi mào vào đầu tháng 6 bởi một đạo luật dẫn độ được đề xuất sẽ cho phép cư dân Hong Kong bị đưa đến Trung Quốc đại lục để hầu tòa.
Mấy tháng vừa qua, hàng triệu người đã xuống đường để trút cơn thịnh nộ và bày tỏ sự thất vọng đối với chính quyền thành phố, điều này đã đặt ra đòi hỏi lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Thiện Thành (Theo Reuters)