Chiều 4/10, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã có buổi họp báo và tuyên bố ban hành lệnh cấm mang mặt nạ tại các buổi tụ tập công cộng. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ khuya nay (4/10).
“Chúng tôi không thể cho phép leo thang bạo lực và huy động những luật lệ có thể để kiềm chế bạo lực… Sáng nay tôi đã triệu tập cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Hành Pháp và quyết định ban hành Quy định Cấm che mặt. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào nửa đêm thứ Sáu” – SCMP dẫn lời bà Lâm nói tại cuộc họp báo.
Trưởng đặc khu Hồng Kông cho biết, mục đích của luật mới là nhằm chấm dứt bạo lực và khôi phục lại trật tự. Luật mới nhắm tới những đối tượng sử dụng bạo lực, nhưng vẫn có ngoại lệ cho những ai thật sự cần che mặt.
“Chúng tôi hy vọng luật có thể mang lại hiệu quả ngăn chặn… Đây không phải là quyết định dễ dàng, nhưng cần thiết. Tôi muốn nhấn mạnh rằng lệnh cấm này không có nghĩa Hồng Kông đang trong tình trạng khẩn cấp” – bà Lâm nói.
Theo SCMP, tài liệu giải thích được phát trong buổi họp báo vạch ra “mục đích của các quy định mới” như sau:
– Trong những tình huống nhất định, cấm sử dụng các hình thức che mặt mà nhiều khả năng có thể cản trở quá trình nhận dạng.
– Trao cho cảnh sát quyền yêu cầu một người phải bỏ che mặt ở nơi công cộng, không tuân thủ được coi là vi phạm.
– Tạo điều kiện kéo dài giới hạn thời gian truy tố đối với các hành vi vi phạm có liên quan lên tới 12 tháng, kể từ ngày vi phạm.
Ông Lee, người đứng đầu phụ trách an ninh Hồng Kông cho biết, người vi phạm lệnh cấm này có thể bị phạt tù một năm, hoặc một khoản tiền phạt 25.000 HKD (khoảng 70 triệu đồng).
“Mặt nạ trong trường hợp này bao gồm cả việc sử dụng sơn vẽ lên mặt”. Ông Lee nói thêm và bổ sung rằng, sẽ có ngoại lệ với các trường hợp liên quan tới tôn giáo, sức khỏe. Được biết, theo luật mới, tòa án sẽ là bên quyết định xem trường hợp nào được coi là miễn trừ xứng đáng.
Để có thể kích hoạt lệnh cấm, Văn phòng Trưởng đặc khu đã viện dẫn tới Sắc lệnh cho phép chính quyền có thể sử dụng quyền lực khẩn cấp. Với luật này, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể không cần sự cho phép của cơ quan lập pháp khi đưa ra bất cứ quy định nào mà bà cảm thấy là chính đáng vì lợi ích của cộng đồng.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng cho hay, đây là văn bản quy phạm dưới luật (subsidiary legislation) và sẽ được tiến hành thẩm tra an ninh tại cơ quan lập pháp. Ngày 16/10, luật mới sẽ được đưa ra Hội đồng Lập pháp để các nghị sĩ tiến hành sửa đổi sau ban hành.
Trong cuộc họp báo, một phóng viên đã hỏi bà Lâm rằng, liệu bà có cân nhắc tới việc hạ nhiệt tình hình bằng cách tiến hành một cuộc điều tra độc lập, hoặc từ chức không. Trả lời câu hỏi này, bà Lâm nói rằng, chính quyền Hồng Kông không muốn thấy ai bị thương và các thanh niên trẻ tuổi nên tránh khỏi các cuộc biểu tình như vậy.
Bà Lâm cho biết, bà đã nắm được các yêu cầu của người biểu tình và từ chức không phải là cách giải quyết vấn đề. Trưởng đặc khu Hồng Kông cũng khẳng định sẽ rút lại luật cấm che mặt khi luật này không còn cần thiết.
Động thái này lập tức gây nên một làn sóng phẫn nộ từ dân chúng, rất nhiều người dân đã xuống đường để phản đối lệnh cấm được cho là phi lý này. Một sĩ quan thanh tra cảnh sát thường ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cho biết, lệnh cấm này sẽ “khuấy động thêm rắc rối không cần thiết”.
“Hiện tại, chỉ khi chúng tôi bắt giữ những người biểu tình thì họ mới gỡ bỏ hoặc buộc phải gỡ bỏ mặt nạ. Nhưng nếu luật thông qua, một người biểu tình đeo mặt nạ sẽ bị coi là kích động cảnh sát và gây rối. Điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều xung đột”, vị thanh tra yêu cầu được giấu tên cho biết.
Một thanh tra khác cho biết: “Chuyện gì xảy ra nếu một người nói rằng họ phải đeo khẩu trang vì bị cảm lạnh và cho chúng tôi xem giấy chứng nhận của bác sĩ? Chúng tôi sẽ phải cho anh ta biết lý do hợp lý và sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu xem họ có thực sự bị bệnh hay không”.
Simon Young Ngai-man, một giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết, luật cấm đeo mặt nạ có thể thách thức tư pháp. Ông nói, nếu lý do đeo mặt nạ nhằm phòng độc, thì một luật như vậy sẽ bắt người dân hít hơi cay do cảnh sát sử dụng.
Theo ông, “Không cho phép người dân tự bảo vệ bản thân bằng mặt nạ có thể vi phạm quyền tự do và an ninh của họ”, trích dẫn Điều 28 của Luật cơ bản và Điều 5 của Dự luật Nhân quyền Hồng Kông.
Johannes Chan Man-mun, một giáo sư luật khác Đại học Hồng Kông cho biết, việc ban hành luật sẽ gây tranh cãi vì nó tăng hình phạt đối với những người tham gia biểu tình.
Trong khi đó, Bosco, một học sinh 16 tuổi, cho biết, lệnh cấm đeo mặt nạ sẽ không ngăn được phong trào phản kháng. Bosco nói: “Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi các yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng”.
Bosco cho rằng lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ thực ra là một “kiểu hai mặt”, cấm người biểu tình che giấu danh tính, trong khi cảnh sát được phép che giấu danh tính. Học sinh 16 tuổi nói tiếp: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đeo mặt nạ. Tại sao chúng tôi phải tuân theo luật khi cảnh sát là những người thực thi pháp luật lại không hành động theo luật?”.
Gia Hưng (t/h)