Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 18/6 của Ủy ban Lập pháp Hồng Kông (LegCo) đã bác bỏ bản dự thảo cải cách bầu cử được Bắc Kinh hậu thuẫn, vốn bị các nhà hoạt động dân chủ cho là chỉ đem lại sự “dân chủ giả tạo”.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm 18/6, nhiều nghị sỹ thân Bắc Kinh đã rời khỏi hội trường. Và chỉ có 37 nghị sỹ trong tổng số 70 có mặt tại hội trường, với 28 người bỏ phiếu chống trong khi chỉ 8 người bỏ phiếu thuận và 1 người bỏ phiếu trắng. Dự luật cần được ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng Lập pháp, tương đương 47 phiểu ủng hộ để thông qua.
Nhóm nghị sĩ rời đi sau khi đề nghị tạm ngừng trong 15 phút của họ bị chủ tịch hội đồng từ chối. Jeffrey Lam là người ủng hộ Bắc Kinh nói, họ xin tạm ngừng để một nhà lập pháp bị ốm và đến muộn có thể tham gia bỏ phiếu.
Bản dự thảo nếu được thông qua sẽ cho phép người dân Hồng Kông lần đầu tiên có quyền bỏ phiếu trực tiếp bầu nhà lãnh đạo đặc khu hành chính này trong kỳ bầu cử năm 2017.
Tuy nhiên, các ứng viên trước đó sẽ phải được chọn lựa bởi một ủy ban được cho là trung thành với Bắc Kinh, mà các nhà hoạt động dân chủ cho là chỉ đem đến sự “dân chủ giả tạo”.
Kết quả bác bỏ dự thảo này trong cuộc bầu cử hôm Thứ Năm (18/6) tương đương với việc nhà lãnh đạo tiếp theo của Hồng Kông có thể được lựa chọn theo quyết định ngày 31/8/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Theo đó, Hồng Kông sẽ bầu Trưởng Đặc khu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, và người dân sẽ bỏ phiếu chọn từ 2 hoặc 3 ứng cử viên do một hội đồng gồm 1.200 thành viên của Bắc Kinh chỉ định.
Bên ngoài trụ sở LegCo, khoảng 500 người biểu tình ủng hộ dân chủ đã vỡ òa vui mừng và vỗ tay vang dội sau khi có kết quả bỏ phiếu.
Trong khi đó, khoảng 500 người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh ở ngoài trụ sở LegCo lại hô to khẩu hiệu, “Bãi nhiệm họ vào năm 2016”, nhằm kêu gọi loại bỏ những nghị sĩ ủng hộ dân chủ ra khỏi Ủy ban Lập pháp Hồng Kông trong cuộc bầu cử tại đặc khu này vào năm 2016.
Tuy nhiên không có xung đột giữa hai nhóm biểu tình đối lập.
Trung Quốc trong cùng ngày cho biết, họ lấy làm tiếc vì Hồng Kông không thông qua dự luật của Bắc Kinh, và gọi đây là kết quả “không muốn chứng kiến”. Lục Khảng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ dự luật và vẫn hy vọng phần lãnh thổ bán tự trị này tiếp tục thịnh vượng.
Nhiều nhà lập pháp cho rằng dự luật vừa bị bác bỏ có thể giúp hoàn thành cam kết nhưng phe ủng hộ dân chủ không đồng ý. Giới chức Hồng Kông và Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không còn đề xuất cải cách nào khác và ám chỉ hậu quả mà những người phản đối phải chịu.
Theo VNE