Ngày 20/12, Bộ Giáo dục Hồng Kông cho biết, hiện tại đã có 80 giáo viên, trợ giảng và gần 1.000 học sinh dưới 18 tuổi bị bắt giữ vì liên quan đến phong trào phản đối dự luật dẫn độ. Vào ngày 9/12, cảnh sát nói rằng, có 6.022 người đã bị bắt, trong đó có 2.393 học sinh, chiếm 40% tổng số người bị bắt giữ, người ít tuổi nhất là 11 tuổi.
Vào ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hồng Kông Dương Nhuận Hùng đã phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết, Bộ Giáo dục đã được thông báo rằng, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 11, gần 1.000 học sinh dưới 18 tuổi đã bị bắt giữ, 80 giáo viên và trợ giảng cũng bị bắt.
Dương Nhuận Hùng nói rằng, tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, Bộ Giáo dục đã gửi văn kiện tới trường học, hướng dẫn xử lý giáo viên và học sinh vi phạm. Nếu trường học đi lệch hướng so với chỉ dẫn, Bộ sẽ tiến hành theo dõi.
Ông còn nói, từ tháng 6 đến nay, Bộ Giáo dục còn nhận được 123 khiếu nại liên quan đến “hành vi chuyên nghiệp” của giáo viên, hầu hết trong số đó liên quan đến việc phổ biến ngôn từ kích động thù địch, hành vi khiêu khích và ban bố tài liệu giảng dạy không phù hợp.
Theo Đài phát thanh Hồng Kông, đến nay đã có 2 giáo viên phải từ chức vì liên quan tới phong trào phản đối dự luật dẫn độ, còn một người khác bị tạm đình chỉ công tác.
Một số phóng viên truy hỏi: “Liệu việc sử dụng các từ ngữ như ‘cảnh sát đen’, ‘gián’ có thuộc về ngôn từ ‘phân biệt đối xử’ ‘thù địch’ hay không?”. Dương Nhuận Hùng nói rằng, Bộ Giáo dục sẽ đưa ra quyết định dựa trên biểu hiện của các giáo viên và xem xét liệu chúng có ảnh hưởng đến học sinh hay không.
Không ít cư dân mạng chất vấn, việc xử lý giáo viên của Bộ Giáo dục lần này, có thể là hưởng ứng khẩu hiệu “ngăn bạo trừ loạn” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề ra, phối hợp với ĐCSTQ đàn áp quyền tự do, dân chủ của giáo viên và học sinh.
Ngày 9/12, số liệu do Cảnh sát Hồng Kông công bố cho thấy, trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ diễn ra trong nửa năm qua, cảnh sát đã bắt tổng cộng 6.022 người, bao gồm 4.474 nam và 1.548 nữ, độ tuổi từ 11 đến 84. Trong số những người bị bắt có 956 người đã bị truy tố, trong đó có 767 nam và 189 nữ.
Cảnh sát trưởng cấp cao của Phòng Quan hệ Công chúng Giang Vĩnh Tường nhấn mạnh rằng, có 2.393 học sinh bị bắt, chiếm 40% tổng số người bị bắt.
Ngoài ra, cảnh sát đã bắn 16 ngàn viên đạn hơi cay cùng với 40 ngàn các loại đạn khác. Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập nhận được 1.784 khiếu nại liên quan đến cảnh sát, nhưng không có cảnh sát nào bị phạt.
Ngoài số lượng lớn học sinh bị bắt giữ, trong nửa năm qua, dường như ĐCSTQ đã sử dụng gần như tất cả các lực lượng, bao gồm Cảnh sát Hồng Kông, lực lượng Cảnh sát Vũ trang của ĐCSTQ và các băng đảng để trấn áp tàn khốc đối với người biểu tình, tra tấn, thậm chí là giết người diệt khẩu, bắn đạn thật về phía người biểu tình, lái xe buýt tốc độ cao lao vào người biểu tình…, dẫn đến số vụ án đáng khả nghi như nhảy lầu, thi thể chết trôi, mất tích tăng vọt.
Những cuộc trấn áp đẫm máu do Chính phủ Hồng Kông tạo ra đã gây chấn động dư luận quốc tế. Ngoại trừ bạo lực và cái chết, ĐCSTQ còn mang lại cho người Hồng Kông rất nhiều nỗi sợ hãi.
Ngày 13/11, Cục Bảo an Hồng Kông công bố, từ tháng 6 đến tháng 9, cảnh sát đã nhận được trên 256 vụ án “tự sát”, và đã tìm thấy 2.537 thi thể. Ngày 20/11, Cục Bảo an Hồng Kông lại nói rằng, trong 10 tháng đầu năm nay có 6.584 vụ án tử vong, trong đó có 608 vụ là “tự tử, treo cổ, nhảy lầu”.
Trong một số báo đặc biệt mới nhất của Thời báo Epoch Times nói rằng, ĐCSTQ luôn miệng nói rằng “ngăn bạo trừ loạn, khôi phục trật tự”, mà đầu sỏ của tất cả các cuộc náo loạn và bạo lực ở Hồng Kông đều do ĐCSTQ thao túng cảnh sát và xã hội đen.
Ngày nay, sự rối loạn và xung đột ở Hồng Kông giống như những gì mà loạt bài viết “Cửu bình” (9 bài bình luận về ĐCSTQ do Epoch Times phát hành) đã đề cập tới, “ĐCSTQ, nơi có hàng triệu quân đội và cảnh sát vũ trang mới là nguồn gốc của ‘sự hỗn loạn’ thực sự của Trung Quốc. Người dân không tự dưng mà đi ‘náo loạn’, càng không có tư cách đi ‘náo loạn’ “. “Cửu bình” đã sớm tiên đoán: “ĐCSTQ gây ra bạo loạn, lại dùng ‘bạo loạn’ uy hiếp người dân”.
Nhà văn Thịnh Tuyết nhận xét, sự phản kháng của Hồng Kông đã khiến thế giới nhìn thấy sự tàn bạo, ngạo mạn và vô độ của chính quyền ĐCSTQ, đồng thời khiến cho người dân Đại lục nhìn thấy sự can đảm đấu tranh của người dân Hồng Kông. Bà cho rằng, lối thoát của Hồng Kông nằm ở chỗ toàn dân đấu tranh, không những có thể giải thoát cho Hồng Kông, mà còn là cơ hội cho người dân Đại lục lật đổ sự chuyên chế của ĐCSTQ.
Minh Huy (Theo NTDTV)