Trong nửa đầu năm 2015, trung bình một tháng xuất hiện tới 1.000 trang giả mạo Facebook nhằm đánh cắp mật khẩu để lừa lấy tiền và phát tán tin nhắn rác tại Việt Nam.
Các trang giả mạo mà kẻ xấu tạo ra có hình thức giống hệt trang Facebook, khác biệt duy nhất nằm trên thanh địa chỉ. Để dẫn dụ người dùng truy cập, kẻ xấu đưa ra liên kết dẫn tới trang giả mạo kèm theo lời chào mời về khuyến mãi lớn với nội dung hấp dẫn, thậm chí là thông tin mang tính dọa nạt, gây lo lắng… Ngay khi người dùng bấm vào đường link, Facebook của họ sẽ thoát ra và yêu cầu đăng nhập lại. Do giao diện website giả mạo rất giống với Facebook, nhiều người không phát hiện ra và làm theo hướng dẫn là đã tự mình cung cấp thông tin tài khoản cho tin tặc.
Ngoài ra, hình thức lừa nạp thẻ điện thoại “ông chú Viettel” cũng có thêm biến tướng mới. Bằng việc tạo các website giả mạo trang nạp thẻ để tăng lòng tin từ phía người dùng, kẻ xấu đã móc túi nhiều nạn nhân với số tiền lên tới vài triệu đồng. Trung bình mỗi tháng có 200 website giả mạo nạp thẻ như vậy được kẻ xấu dựng lên. Các chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng khi nhận được các thông báo có nội dung khuyến mãi hấp dẫn, nên xác minh lại thông tin. Không nên thực hiện theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong sáu tháng đầu năm các nhà mạng đã chặn gần một triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, theo Bkav, số lượng tin nhắn rác được phát tán vẫn không hề giảm với 13,9 triệu tin được gửi đi mỗi ngày, cao hơn so với mức trung bình 13,5 triệu năm ngoái. Bên cạnh đó, 30% các website ngân hàng tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng, 2/3 trong số này ở mức độ nguy hiểm trung bình và cao. Lỗ hổng nguy hiểm nhất là SQL Injection, mở đường cho hacker tấn công trực tiếp vào dữ liệu của website. Các lỗ hổng XSS (Cross Site Scripting) và Open Redirection cũng gây nguy cơ chiếm quyền điều khiển của quản trị hoặc chuyển hướng website đến trang lừa đảo. Sáu tháng qua, đã có 23.605 dòng virus máy tính mới xuất hiện, lây nhiễm trên 30,9 triệu lượt máy tính. Virus lây lan nhiều nhất là W32.Sality.PE, lây nhiễm trên 2,6 triệu lượt máy tính ở Việt Nam. Ngoài ra, 2.790 website của cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bị hacker xâm nhập, trong đó có 34 site có đuôi .gov.vn và 122 site .edu.vn. Minh Minh |
Theo Số Hóa