Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện xác của hơn 300 con cá voi trôi dạt trên bờ biển Chile, phần lớn là cá voi Sei, một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ghi nhận, số lượng cá voi chết lần này nhiều hơn bất kì trường hợp nào khác từ trước đến nay.
IB Times hôm 23/11 đưa tin, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Chile và cơ quan bảo tồn Consejo de Monumentos Nacionales ở Santiago tìm thấy xác cá voi qua ảnh chụp trên không và ảnh vệ tinh. Các nhà khoa học đếm được tổng cộng 305 xác cá voi và 32 bộ xương ở khu vực nằm giữa vịnh Penas và bang Puerto Natales.
Những con cá voi được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 6. Do vị trí tìm thấy xác nằm ở khu vực xa xôi, nhóm nghiên cứu không thể tiến hành kiểm tra, do vậy nguyên nhân khiến chúng chết vẫn là điều bí ẩn.
Carolina Simon Gutstein, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết các xác chết là cá voi Sei, một loài sắp tuyệt chủng thuộc bộ cá voi tấm sừng. Chúng thường sinh sống ở những vùng nước sâu ngoài khơi và di cư từ nơi nước lạnh vào mùa hè đến nơi nước ấm vào mùa đông. Loài này có thể dài tới 19,5 m và nặng 28 tấn.
David Lusseau, giảng viên tại Đại học Aberdeen, Anh, nhận định đây là vụ mắc cạn lớn nhất trong bộ cá voi tấm sừng. “Tôi không biết sự kiện như vậy trước đây. Việc trông thấy nhiều cá voi sei mắc cạn thành từng nhóm quả thực quá bất thường”, Lusseau chia sẻ.
Lusseau cũng cho biết số lượng cá voi chết thực tế có thể cao hơn bởi nhiều khả năng chỉ một phần xác cá bị cuốn vào bờ. “Đây là số cá voi trôi dạt nhiều nhất và bất thường nhất từ trước đến nay. Vì xác định muộn nên tôi tin rằng đây chỉ là một phần trôi vào bờ, phần còn lại có thể đã thối rữa ngoài biển khơi. Chúng ta cần điều tra kĩ nguyên nhân, bởi có thể có chuyện gì đó đang diễn ra dưới lòng đại dương”, David Lusseau cảnh báo.
Các nhà nghiên cứu Chile đang lên kế hoạch trở lại khu vực phát hiện xác cá voi để tìm hiểu nguyên nhân khiến chúng chết. Trước đây, nguyên nhân được quy cho sự phát triển tràn lan của các tổ chức vi sinh vật độc hại.
“Công việc sẽ rất khó khăn bởi chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc với xác cá voi mới chết. Điều này sẽ gây trở ngại cho quá trình phát hiện nguyên nhân”, Lusseau nói.
Một số vụ việc tương tự từng diễn ra tại khu vực rộng hơn trong những năm gần đây, bao gồm hàng nghìn con chim biển chết mắc cạn trên bờ ở Hualpen, Chile, vào tháng 5/2015 và hơn 400 con xác cá heo bị dạt vào bãi biển ở phía bắc Peru vào tháng 1/2014.
“Có điều gì đó đang tiếp diễn ở khu vực biển Thái Bình Dương. Chúng tôi không thể biết chắc chắn trước khi bác sĩ thú y nghiên cứu những cái xác. Năm 2015 này, vùng biển Thái Bình Dương này ấm hơn bình thường và đó có thể là một hướng điều tra”, Lausse nhận xét.
Theo VnExpress