Tinh Hoa

Hơn 1.900 người tử vong do Ebola, tình hình đã ngoài tầm kiểm soát

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn 1.900 người đã chết vì bệnh Ebola ở các nước Tây Phi đồng thời cảnh báo rằng đây là đợt bùng phát dịch Ebola “lớn nhất, nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất mà chúng ta từng chứng kiến’.

Bà Margaret Chan, tổng giám đốc WHO, cho biết đã có 3.500 ca xác nhận nhiễm Ebola hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao ở các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia. “Trận dịch đang tiến triển nhanh chóng vượt tầm kiểm soát của các nước này,” người đứng đầu WHO nói.

WHO họp khẩn

Vào ngày 4/9, WHO đã tổ chức một cuộc họp xem xét và thảo luận biện pháp chữa trị hữu hiệu nhất cùng phương thức đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và sản xuất các loại thuốc đặc trị.

Các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh, các nhà nghiên cứu y khoa và giới chức từ những nước bị ảnh hưởng đều có mặt tại hội nghị quan trọng này tại Geneva. Trước đó, WHO đã cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch Ebola lần này là ‘lớn nhất, nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất mà chúng ta từng chứng kiến’.

“Không ai, kể cả những người chống dịch có kinh nghiệm trong những năm 1976 hay 1995, những người làm công tác chống dịch trực tiếp, không ai trong số họ từng chứng kiến tình trạng như thế này,” bà nói.

Bốn mươi phần trăm số bệnh nhân tử vong trong ba tuần gần đây nhất, WHO cho biết.

Hôm 3/9, Nigeria đã thông báo thêm hai ca nhiễm bệnh ở thành phố cảng Harcourt. Trước đó chỉ có một ca nhiễm bệnh duy nhất bên ngoài Lagos, nơi đã có năm trường hợp tử vong vì Ebola. “Đợt bùng phát virus Ebola lần này ở cảng Harcourt có khả năng sẽ bùng phát lớn hơn và lan nhanh hơn trận dịch ở Lagos,” WHO cảnh báo.

Bà Chan nói đợt dịch Ebola lần này là ‘rất nghiêm trọng’

Cũng trong hôm 3/9, người Anh đầu tiên bị nhiễm Ebola đã được xuất viện sau khi hồi phục hoàn toàn.

Tiến sĩ David Nabarro, điều phối viên của hệ thống LHQ cao cấp về vấn đề Ebola, cho biết, theo các quan sát ghi nhận được, phần lớn bệnh nhiễm trùng bị lây truyền giữa các thành viên gia đình, những người đang chăm sóc cho bệnh nhân.

Những phụ nữ ở Liberia nằm trên mặt đất để cầu thượng đế ngăn chặn dịch Ebola. Ảnh: EPA

Họ phải chăm sóc cho những người bị nhiễm Ebola vì không có đủ giường bệnh, cũng không có đủ xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân an toàn. Nếu bệnh nhân được đưa đến cơ sở chăm sóc sức khỏe thì sẽ không có một hệ thống hiệu quả để kiểm soát nhiễm khuẩn, cũng như không có đủ thiết bị bảo hộ để cung cấp cho tất cả.

Hôm 2/9, tổ chức Bác sỹ Không biên giới (MSF) đã cảnh báo rằng một cuộc can thiệp quân sự toàn cầu rất cần thiết để chống dịch.

MSF lên án phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh cho đến nay là ‘không tương xứng’ và cho rằng thế giới ‘đang thua’ trong cuộc chiến chống lại dịch Ebola.

Tổ chức này kêu gọi triển khai ngay lập tức các nhóm quân sự và dân sự có khả năng đối phó thảm họa sinh học, thiết lập thêm ệnh viện dã chiến với khu cách ly, điều động nhân viên y tế đã được huấn luyện đầy đủ đến khu vực có dịch và hỗ trợ không vận nhằm vận chuyển bệnh nhân và nhân viên y tế trên khắp vùng Tây Phi.

Theo BBC, CNN, dichebola.com