Tinh Hoa

Hơn 1.000 quan chức Trung Quốc chết vì những “nguyên nhân bất thường”

Theo một thông báo mới đây của Cục Tổ chức Cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kể từ sau Đại hội lần thứ 18 tổ chức vào cuối năm 2012 đến nay, đã có hơn 1.000 quan chức Trung Quốc chết vì những “nguyên nhân bất thường”.

Khương Trung Hoa, Chuẩn đô đốc thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử từ một khách sạn tại căn cứ hải quân ở tỉnh Chiết Giang hôm 2/9.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan được ví như “bàn tay sắt” diệt trừ tham nhũng của ĐCSTQ, trong số 6.000 quan chức Trung Quốc “biến mất” một cách bất thường, thì có hơn 1000 người đã tự sát. Đó là chưa kể đến 8000 quan chức ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo này không nêu rõ thời gian đưa ra các con số thống kê nói trên.

Theo Thanh niên Nhật báo, từ đầu năm 2013 đến tháng 4/2014 đã có 54 quan chức chết một cách bất thường, trong đó có 23 vị tự sát. Trong những bản tin này, nguyên nhân được đưa ra là do các quan chức bị trầm cảm, trong khi nhiều người lại cho rằng, áp lực từ các cuộc điều tra của CCDI là lý do khiến nhiều quan chức tự kết liễu đời mình.

Điển hình nhất phải kể đến Khương Trung Hoa, Chuẩn đô đốc  thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, người được cho là đã nhảy lầu tự tử từ một khách sạn tại căn cứ hải quân ở tỉnh Chiết Giang hôm 2/9. Theo thông tin từ mạng xã hội Wechat, Quân Ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã triệu tập ông Mã để tiến hành điều tra tham nhũng khiến ông trầm cảm, dẫn đến tự sát.

Sau ông Hoa, Thiếu tướng Tống Ngọc Văn, Phó chính ủy Quân khu Cát Lâm cũng đã thắt cổ tự tử vì bị điều tra tham nhũng. Vào hôm 13/11 ông Phó đô đốc Mã Phát Tường đã nhảy lầu tự tử một cách bí ẩn. Thi thể ông này sau đó nhanh chóng được hỏa táng và chôn cất ở Bắc Kinh.

Cựu Bí thư Nam Kinh Dương Vệ Trạch.

Lần gần đây nhất là phải kể tới Dương Vệ Trạch, cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh Dương, người đã tìm cách lao về phía cửa sổ toan nhảy lầu tự vẫn sau khi nhìn thấy các nhân viên điều tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật vào hôm 4/1. Các điều tra viên của CCDI đã kịp thời ngăn cản hành động của Dương và tiến hành bắt giam ông này.

Được biết, kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng mang tên “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình được phát động, đã có hơn 70.000 quan chức Trung Quốc bị điều tra, truy tố, cách chức, trong đó có những quan chức ở vị trí cấp cao nhất như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu.

Khi bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng, các quan chức này sẽ phải đối mặt với một quá trình điều tra ngoài quy định pháp luật của CCDI có tên gọi là “song quy”.

Một số quan chức từng làm việc với các ủy ban kiểm tra kỷ luật cấp địa phương cho hay, ủy ban kiểm tra kỷ luật của các tỉnh ủy, thành ủy có những biện pháp thẩm vấn khá “thô thiển”. Đã có nhiều quan chức cấp tỉnh kể về việc bị đánh đập, bị dí tàn thuốc lá, bị nhấn nước và không được ngủ trong nhiều ngày trời khi bị triệu tập tới cơ quan điều tra của ủy ban kiểm tra kỷ luật. Nhiều người trong số họ đã tự tử vì không chịu được áp lực, hoặc chết một cách bí ẩn trong quá trình thực hiện “song quy”.

Chủ tịch Tập Cận Bình

Theo các chuyên gia phân tích Trung Quốc, các quan chức tham nhũng ở nước này ngày càng hiểu rõ rằng cơ hội thoát khỏi chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” là vô cùng ít, vì vậy tự sát là một lựa chọn mà nhiều người đã tính đến một khi mọi việc bị vỡ lở. Khi những quan tham này tự sát, mặc nhiên cuộc điều tra sẽ bị đình chỉ, từ đó vợ con của họ có thể bảo toàn được số tài sản khổng lồ được tích trữ bằng các hoạt động tham ô, vơ vét của mình.

Tổng Hợp