Tinh Hoa

Hồi ức ám ảnh về thảm sát Thiên An Môn 1989 (P3): Lò giết mổ người

Đã 30 năm kể từ khi diễn ra cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn. Dù sự kiện này đã được cả thế giới biết đến, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn phủ nhận và nghiêm cấm gắt gao việc bàn luận cũng như kỷ niệm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát.

 

Sinh viên bị xe tăng cán qua. (Ảnh qua Twitter)

“Lịch sử dân vận năm 1989” là cuốn sách thuật lại toàn bộ về phong trào dân chủ năm 1989 và sự kiện “thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989″. Tác giả của cuốn sách là bà Trần Tiểu Nhã, sinh năm 1955 tại thành phố Trường Sa, Hồ Nam,Trung Quốc. Năm 1982, bà tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử tại trường Đại học sư phạm Hồ Nam. Bà đã từng làm công nhân, cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Năm 1996, vì xuất bản cuốn sách Lịch sử dân vận năm 1989 tại Đài Loan, nên bà đã bị sa thải khi đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu Chế độ Chính trị, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Dưới đây là một phần nội dung về sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989 trong cuốn sách Lịch sử dân vận năm 1989:

(Tiếp theo Phần 1, Phần 2)

Cung Văn hóa Dân tộc: Trung bình mỗi phút đưa đi một người, nạn nhân tử vong nhỏ nhất mới có 9 tuổi

Khi quân đoàn 38 đi qua Phục Hưng Môn họ không ngờ được rằng, phía trước Cung Văn hóa Dân tộc chỉ cách đó một trạm không xa, lại một lần nữa họ gặp sự phản kháng dữ dội. Trước khi lực lượng vũ trang chống bạo động đến đây, thì người dân và học sinh sinh viên đã “chiếm cứ” gần 1 giờ đồng hồ.

Lúc đó, nữ sinh viên Tiểu Lộc ở Đại học Bắc Kinh đạp xe đến đó nhớ lại:

“Binh lính liên tục xịt khí gas độc. Sau khi dùng hết lựu đạn hơi cay, hai bên bắt đầu dùng gạch đá để ném vào nhau. Đoạn Xương Long, một sinh viên tốt nghiệp khoa Hóa chất trường Đại học Thanh Hoa đã tận mắt chứng kiến cuộc xung đột giữa người dân và quân đội đang diễn ra vô cùng nguy cấp, liền chạy lên hàng trên cùng để thuyết phục một sĩ quan.

“Không ngờ rằng người sĩ quan ấy không nói một lời, đã giơ súng lục lên nhắm thẳng vào động mạch tim chính bên ngực trái của Xương Long mà bắn, ngay lập tức anh ngã gục xuống mặt đất. Một sinh viên đại học Y Bắc Kinh thấy vậy vội vàng cõng anh ấy tới bệnh viện Bưu điện gần đó để cấp cứu, nhưng cuối cùng vết thương quá nặng không thể chữa trị và anh đã qua đời.”

Tại Bệnh viện Bưu điện, “Những người bị thương được đưa vào không ngừng, vội vội vàng vàng từng người từng người một, quả thực vô cùng đáng sợ. Người bị thương có khi là xe cứu hộ hoặc các loại xe khác chở đến, như xe kéo hàng hay xe đạp, có lúc thì dùng thang máy, có lúc thì phải nhờ người khác dìu hoặc cõng đến, trung bình cứ mỗi phút có một người đến. Sàn xi-măng phía trước cửa bệnh viện dính đầy máu, rất nhiều người đều bị dính máu.”

“Chỉ riêng ở tầng 1 đã có đến 9 trường hợp tử vong… Một phóng viên ảnh nói rằng, ông nhất định phải dùng máy ảnh ghi lại hết hình ảnh thảm án này, để người đời sau có thể tận mắt thấy sự thật.”

“Tôi đề nghị mọi người lật tấm vải trắng phủ lên các thi thể, lấy ra chứng minh nhân dân hoặc ghi lại danh tính và tình huống từng người, sau đó ghi chép lại.”

“Lưu Kiến Quốc, nam, 35 tuổi, Số 50 khu Hoàng Nhị, Tây Thành.”

“Phú Nhĩ Khắc, nam, 19 tuổi, sinh viên dự bị Học viện Dân tộc Trung ương Trung Quốc khóa 88.”

“Ngô Quốc Phong, nam, sinh viên khoa Công nghiệp Kinh tế Đại học Nhân dân Trung Quốc khóa 86, số thẻ sinh viên: 6070115.”

Cố Lệ Phân, nữ, khoa Giáo dục, Đại học Sư phạm Bắc Kinh khóa 88.”

“Lưu Trung, nam, 19 tuổi, sinh viên khoa chính trị Đại học Chính trị Pháp luật, người Thượng Hải.”

“Đoạn Xương Long, nam, sinh viên khoa Hóa chất, Đại học Thanh Hoa.”

“Mã Phượng Hữu, nam, sinh năm 1962, công nhân xí nghiệp công nghiệp, chết cùng với con là Mã Tuấn Phi.”

“Hứa Thụy Hòa, nam, bộ đội xuất ngũ.”

“Còn có một sinh viên khoa Kinh tế Nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Bắc Kinh. Có 10 người nam và 1 người nữ không rõ danh tính (vì không mang theo CMND).”

Khi quay lại tầng 1, Tiểu Lộc nhìn thấy một nữ sinh vô cùng đau khổ khi tìm thấy bạn trai mình. “Bạn trai cô ấy bị trúng một vết đạn bắn vào phía lưng bên trên, vết thương to và dài như ngón tay cái, chảy máu đầm đìa. Bác sĩ không cầm được máu, chỉ có thể dùng tay ấn bông thấm thuốc vào để cầm máu ở vết thương. Người thanh niên đó đau đớn đến mức không ngừng la hét thảm thiết, nữ sinh phải áp sát mặt vào đầu anh ấy để an ủi, chẳng mấy chốc mà đau khổ đến khóc không ra nước mắt. Tôi hỏi thăm nữ sinh ấy thì biết rằng họ đều là sinh viên Đại học Thanh Hoa, trong tâm mình lại càng cảm thấy buồn hơn.”

Ngày hôm sau, tờ The Guardian của Anh đăng tải một bài báo do Trần Tiểu Nhã viết, mô tả lại tình cảnh ở phía Bắc Nhà khách Dân tộc: “Nơi đó trông giống như một lò giết mổ, trên ghế băng chờ, trên giường bệnh, và ngay cả ở dưới sàn nằm la liệt những bệnh nhân mà toàn thân đẫm máu, nhiều người có những vết thương ở ngực, ở chân hay ở đầu đều là vết thương há miệng do đạn bắn. Một vị bác sĩ đã nói với chúng tôi, có khoảng 300 người bị thương đã được đưa vào đó. Trong đó có khoảng 35 người trọng thương và 70 người thương tật ở các mức độ khác. Có 4 người đã tử vong, trong đó có một bé gái 9 tuổi bị chết do đạn bắn vào cổ họng.”

Tại Tây Đan, binh lính giới nghiêm tiến vào tạo thành phòng tuyến cuối cùng của quảng trường Thiên An Môn. Theo sau binh sĩ tấn công chính là xe bọc thép, sau xe bọc thép là xe tải quân dụng, xe chỉ huy, xe thông tin liên lạc, các đơn vị bộ binh… kéo dài như đến vô tận. Khi tiếng súng ngừng lại, đám người từ trong ngõ hẻm, từ sau bức tường của công trình xây dựng gần đó tiếp tục bước ra, số lượng người cũng không hề ít hơn so với những người đã bị thương ngã xuống.

Sau khi đoàn xe quân đội đi khỏi, học sinh sinh viên lại đến tập kết ở đường Trường An, vẫn nắm tay nhau, mau chóng theo sát xe quân sự. Chung La Bạch hồi tưởng lại: “Binh lính không ngừng bắn vào họ, nhưng người ta đều không quan tâm. Có một cô gái ở hàng trước, bị đạn bắn vào một bên chân, máu chảy đầm đìa nhưng vẫn không hề dừng bước, hai tay nắm chặt tay người đi bên cạnh, từng bước từng bước liên tục tiến về phía trước.”

Sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 25/5/1989. (Ảnh qua buzzfeed)

Một trinh sát về hưu đã viết: “Tinh thần can đảm không sợ hãi của nhân loại xuất phát từ phụ nữ, chính phụ nữ đã khiến nam giới dũng cảm hơn.” Tuy nhiên lần này, “không sợ hãi” không chỉ dành cho một số người nhất định. “Tiếng súng vẫn nổ, đám đông vẫn thẳng lưng tiến bước, từng hàng từng hàng đến gần xe quân sự, rồi từng người từng người ngã xuống.

Tiếng súng đột nhiên ngừng lại, một số binh sĩ chứng kiến cảnh tượng do quá kinh hãi mà dừng lại, họ ngây người ra nhìn những người đang ‘tự sát tập thể’ này, nhìn họ từng bước lại gần không biết đến sợ hãi. Đột nhiên, một sĩ quan hét lên ‘Nổ súng mau!’ Mấy chục binh sĩ lại nhất loạt giương cao súng nhắm bắn trực tiếp vào đám đông người. Tiếng súng, tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng gào thét đau đớn của mọi người hòa lẫn vào nhau. Một thanh niên cao lớn quá giận dữ chửi lớn một câu, rồi ném gạch về phía xe tăng quân sự. Anh ấy chưa đi được thêm vài bước thì đã bị bắn ngã gục xuống.”

Chung La Bạch tiếp tục mô tả: “… tiếng súng đã ngừng lại, lúc đó, một thanh niên trẻ khi thấy người bị thương vong quá nhiều, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, đã đột nhiên xé toang chiếc áo sơ mi trắng của mình, vỗ ngực hét lớn: ‘Các người giết tôi đi! Các người giết tôi đi!’ Đám đông phía sau vỗ tay một tràng dài, còn những người lính thì trầm mặc không nói.”

“Có lẽ do được truyền cảm hứng từ người thanh niên này, con người vốn nhút nhát yếu hèn của tôi đã trở nên đầy dũng khí, tôi cũng tiến thêm vài bước về phía trước và nói lớn: “Tôi nói cho các người biết, đây không phải mặt trận miền núi, đây là thủ đô Bắc Kinh…; Lúc đó, chân của tôi đã bị đạp mạnh một cái khiến tôi ngã khụy xuống đất, ‘tằng tằng’ một loạt đạn lại bắn đến.

‘Aaa!’, một nữ sinh phía sau lưng tôi hét lên, rồi ngã xuống đất. Hiệp Phó, không hổ thẹn là lớn lên trong quân doanh (cha của anh ấy là sĩ quan cấp cao trong giải phóng quân), vô cùng tỉnh táo, đã kéo tôi từ phía sau giúp tôi thoát khỏi làn mưa đạn của binh lính, đã cứu sống tôi. Nhưng nữ sinh phía sau tôi thì đã bị trúng ba phát đạn vào tay và bụng, máu nhuộm đỏ quần áo của cô.”

Bà Tinh Quang, một nữ bác sĩ nổi tiếng y đức tận tâm cứu người, cũng tận mắt chứng kiến cảnh Quân đoàn 38 tiến vào Tây Đan: “Tôi rất lo lắng cho tình cảnh ở Thiên An Môn, vội vàng chạy về phía cửa Đông. Tôi nhanh chóng đến Lục Bộ Khẩu, và thất kinh khi thấy một vài thanh niên toàn thân dính máu đang nằm trên mặt đất, ngay phía trước Học viện Âm nhạc Trung ương.

Có một sinh viên trong trạng thái nửa nằm nửa ngồi, máu từ đùi không ngừng chảy xuống đất, đã thuật lại sự việc phát sinh một cách đầy đau khổ cho những người quanh đó. Anh nói khi quân đội đến, đám đông họ cố chạy tới một cái hẻm, có một vài nữ sinh vì chạy chậm nên đã bị binh lính chặn lại, khi họ vẫn cố để chạy thoát, thì bị một trận mưa đạn bắn ngã xuống… Rất nhiều người khiêng những người bị thương đi đã không kìm nén được mà bật khóc, toàn bộ con hẻm đều chìm trong tiếng khóc bi thương.”

Cảm xúc của bác sĩ Tinh Quang chùn xuống hơn bao giờ hết vì đến lúc đó vẫn có những người dân lương thiện hỏi bà: “Bác sĩ, những người bị thương này đều là do bị đạn bắn phải không?” Nhìn vô số người bị đạn bắn đến chết và những người bị thương toàn thân đẫm máu trước mắt, những người dân không còn dám tin rằng, cái gọi là “quân đội giải phóng quân” lại có thể nổ súng vào những người dân tay không tấc sắt.

Người vẫn không ngừng ngã xuống, nhưng những ai còn sống thì vẫn quyết tâm trụ vững đến cùng. Chung La Bạch tiếp tục nhớ lại: “Khi đám đông người tiếp tục đi đến Thiên An Môn, ngay lập tức binh lính đứng xung quanh quảng trường bắn quét một làn đạn, đám đông bị giải tán, chạy về phía sau. Nhưng không biết từ đâu xuất hiện một cảnh sát vũ trang trong tay cầm một cây gậy lớn, chặn đường chúng tôi chạy.

Sau cùng thì chúng tôi chạy vào một ngõ hẻm, do người đông mà con hẻm thì hẹp, nên chạy rất chậm, khi chạy về phía trước mới phát hiện ra rằng con hẻm đã tạm thời bị chặn lại để thi công. Lúc đó, trong hẻm lại nổ ra một trận hỗn tạp giữa tiếng súng và tiếng la hét thất thanh, khi dứt tiếng súng và những kẻ giết người rời đi, thì vài chục người đã ngã xuống, trong đó ít nhất 5 người tử vong.”

Lúc 1h30 phút sáng 4/6, Quân đoàn 38 với danh nghĩa binh lính giới nghiêm đã là “đội quân đầu tiên” hoàn tất thanh trừng và tiến vào Thiên An Môn từ phía Tây, quân đội cũng hoàn thành việc bao vây quảng trường. Quân đoàn 38 này đã di chuyển suốt 4 giờ đồng hồ qua quãng đường 8,1 km từ Bảo tàng Quân sự. Theo hồi ức của La Vũ, con trai của cố Đại tướng La Thụy Khanh, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc khi đó, “Khi binh lính tiến vào đã bị dân chúng chặn lại, hỏi ý kiến cấp trên xem nên làm thế nào, thì ‘bên trên’ có người nói: ‘Cái thứ đồ trong tay các cậu chẳng lẽ chỉ là que đánh lửa thôi sao?’”

Phần 4: Hồi ức ám ảnh về thảm sát Thiên An Môn 1989 (P4): Giết người như bắn chim

Theo Trithucvn.net