Tinh Hoa

Hỏi trẻ những câu “gây chia rẽ” ảnh hưởng xấu đến trẻ

Bậc cha mẹ nào cũng muốn thân thiết với con cái, nhưng nhiều người lại “tranh thủ tình cảm” của con bằng cách hỏi những câu tương chừng đầy tình cảm nhưng ảnh hưởng xấu đến trẻ.

Cảnh tượng 1: Một vài vợ chồng trẻ khi nảy sinh mâu thuẫn, liền gọi con lại hỏi: “Con nói xem ba tốt hay mẹ tốt?

Cảnh tượng 2: Bạn bè của ba mẹ tới nhà chơi, ngay trước mặt bố mẹ, người khách gọi trẻ lại trêu đùa : “Con nói xem, ba với mẹ ai tốt hơn?

Cảnh tượng 3: Cha mẹ mua quà hoặc đồ ăn cho con, sau đó hỏi: “Con thương ba hay mẹ hơn?

Bạn có từng hỏi trẻ những câu như thế này chưa? Có thể phụ huynh chỉ nói đùa chứ không có ý gì khác, nhưng thực tế điều đó lại ảnh hưởng xấu đến trẻ. Thực ra, mỗi đứa trẻ đều vô cùng tôn kính và yêu quý cha mẹ của mình. Cuộc sống hòa thuận, vui vẻ của cha mẹ chính là cơn mưa dầm thấm vào mảnh đất tâm hồn và sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, tâm trí của trẻ còn non nớt, cho nên rất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lời nói và hành động của người lớn.

Một khi, người lớn hỏi những câu thúc ép con trẻ phải suy xét, phân chia tình cảm “yêu ba” hay “yêu mẹ” thì thực sự không tốt với sự phát triển của trẻ. Điều này thể hiện ở 4 phương diện dưới đây:

1. Khiến trẻ thiếu cảm giác an toàn

Việc ép trẻ lựa chọn giữa cha và mẹ dễ khiến chúng sinh ra tâm lý lo lắng, sợ hãi.

Kiểu lựa chọn mẹ tốt, hay ba tốt sẽ đẩy trẻ vào tình huống khó xử. Nếu lựa chọn một bên, trẻ sẽ sợ bên kia không để ý tới mình nữa. Vì trẻ em coi trọng quan hệ gia đình hơn việc học tập, nên việc này dễ khiến trẻ sinh ra tâm lý lo lắng, sợ hãi, không biết phải làm sao.

 

2. Dễ làm trẻ hình thành tính “gió chiều nào che chiều ấy”

Nếu con phỏng đoán tâm lý người lớn, biết lựa lời nói làm người lớn vui vẻ, lâu dần chúng sẽ nhận thấy phạm sai lầm cũng không sao, miễn là biết cách khiến người lớn vui là được. Điều này cực kỳ không tốt với sự phát triển của trẻ.

3. Dễ dàng hình thành thói quen nói dối

Phần lớn người lớn thường dùng lợi ích để dụ dỗ con cái khiến trẻ “nói dối” lòng mình, nhiều lần sẽ thành thói quen. Trẻ sẽ phát hiện: “Chỉ cần có thể đạt được điều mình muốn, nói dối cũng không sao“.

4. Dễ dưỡng thành tính cách hám lợi

Cha mẹ tranh giành tình cảm, con cái sẽ căn cứ tình huống mà nói những lời “nịnh nọt” người lớn. Thực tế, khi người lớn vì tranh giành tình cảm thường cho trẻ lợi ích nào đó, khuyến khích trẻ cân đo đong đếm xem cha hay mẹ tốt hơn. Nhiều lần như vậy, trẻ sẽ hình thành tính cách hám lợi.

Có những trẻ rất khôn khéo, có mặt ba ở đó thì nói ba tốt, có mặt mẹ ở đó thì nó nói mẹ tốt, có cả ba và mẹ thì chúng sẽ nói ba mẹ đều tốt. Như vậy sẽ làm cho ba mẹ vui, nhưng lại làm cho trẻ cảm thấy “vô lý”: Cha mẹ nên là một chỉnh thể, không thể dễ dàng bị chia rẽ.

Tại sao cha mẹ thích dùng cách này để buộc con cái phân chia thứ bậc tình cảm như vậy? Đặc biệt có một số bậc phụ huynh vừa gặp phải mâu thuẫn liền lớn tiếng cãi nhau ngay trước mặt con, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lại còn ép trẻ tỏ thái độ “con ủng hộ ai?”, làm cho tâm hồn chúng bị tổn thương. Đương nhiên, sau khi sự việc được giải quyết, mọi chuyện sẽ quay lại bình thường, cha mẹ sẽ âu yếm con cái, nhưng vết thương thì vẫn còn trong tâm hồn trẻ, không thể lành ngay trong chốc lát

Vết thương tâm hồn của trẻ không thể lành ngay trong chốc lát.

Làm cha mẹ chúng ta phải biết rằng, điều quan trọng nhất là giữ được sự hồn nhiên của con trẻ. Đơn thuần và thành thật là khởi điểm và nền móng cho trẻ học tập tất cả những mỹ đức sau này. Nếu bạn muốn trẻ làm gì, thì không nên dùng vật chất để cám dỗ chúng, mà thông qua tình lý để khuyên nhủ trẻ.

Ngoài ra, thái độ của những người trong nhà phải nhất trí, không thể suốt ngày oán trách nhau, nói xấu nhau. Nếu phát hiện người nào đó trong gia đình “tranh giành tình cảm” của con trẻ nhưng không tiện ngăn cản thì bạn có thể thuận tiện dạy bảo, hướng dẫn trẻ cách lựa chọn hợp lý, không thiên vị.

Các bậc cha mẹ hãy bảo vệ tính tự tôn của trẻ, đừng hỏi bất cứ câu nào như trên nữa nhé! Trêu đùa con cái thực ra là việc không nên làm, cũng không phải là cách giáo dục trẻ đúng đắn.

Hoàng Sâm, dịch từ kannewyork