“Lưỡng hội” (2 cuộc họp thường niên) của ĐCSTQ bị trì hoãn hơn 2 tháng sắp được triển khai. Liệu Tập Cận Bình có thể thuận lợi vượt qua cửa ải này hay không, đó là điều mà ngoại giới vô cùng quan tâm. So với phiên họp toàn thể lần thứ 4 vào tháng 10 năm ngoái, tình hình hiện tại của Tập Cận Bình thậm chí còn tồi tệ hơn.
Do những khó khăn nội bộ, phiên họp toàn thể lần thứ 4 đã bị hoãn hơn một năm, trước thềm cuộc họp cũng có rất nhiều tin đồn, nhưng rốt cuộc vẫn không có người nào dám công khai “bức vua thoái vị”.
Sau cuộc họp, mặc dù tác giả đã từng đăng tải bài báo “Hội nghị toàn thể lần thứ tư may mắn ‘vượt ải’, nhưng Tập Cận Bình lại lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn”, nhưng không ngờ tình hình lại tiến triển nhanh như vậy. Đại dịch tràn qua Trung Quốc và thế giới, Tập Cận Bình phải chịu áp lực cả trong và ngoài nước, đặc biệt là hiện nay khi những thông tin “bức vua thoái vị” lan tràn khắp nơi.
Mặc dù “Lưỡng hội” chỉ là một hình thức, không có tính hợp pháp về mặt ý nghĩa quản trị, cũng không phải là nền tảng của dư luận, nhưng điều đó không ngăn cản các lực lượng chính trị khác nhau biến nó thành một “sân khấu kịch”.
Từ những phần tử trí thức thông thường cho đến các thế hệ “Hồng nhị đại (như Nhậm Chí Cường và Trần Bình), đều lần lượt chất vấn chính quyền, kêu gọi đại biểu “Lưỡng hội” xem xét cải tổ hệ thống chính trị.
Điều này cho thấy việc hệ thống thống trị của ĐCSTQ “khó có thể tiếp tục” đã trở thành một nhận thức chung; lực lượng yêu cầu cải cách chính trị đang cùng nhau “đồng tâm hiệp lực”, đây không chỉ là yêu cầu của những người dân thường, mà ngay những người thuộc tầng lớp thống trị và tầng lớp hưởng lợi ích cũng đang tham dự vào.
Nhận thức chung về cải cách chính trị này, đã bất ngờ được thể hiện thông qua một bức thư ngỏ ký tên “Tập Viễn Bình” (em trai của Tập Cận Bình).
Đáp lại lá thư ngỏ được “Thái tử Đảng” Trần Bình chia sẻ (kêu gọi triệu tập khẩn cấp cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ, để xem xét liệu Tập Cận Bình có phù hợp để tiếp tục làm lãnh đạo quốc gia hay không) và “thư ngỏ gửi đại biểu ‘lưỡng hội’” ký tên “Đặng Phác Phương” (đề ra 15 Câu hỏi), thư ngỏ của “Tập Viễn Bình” hiếm hoi tuyên bố:
“Anh trai (Tập Cận Bình) đã từng nói một cách riêng tư rằng, nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, trước tiên phải ‘đại tả’ sau mới ‘đại hữu’, vì ‘đại tả’ mới có chỗ đứng trong nội bộ Đảng, có chỗ đứng rồi mới khởi xướng một cuộc cải cách chính trị triệt để, trước kia cả Hồ và Triệu đều không hiểu đạo lý này nên mới ‘đứt gánh giữa đường’”.
Người này cũng nói: “Dịch bệnh đã tác động mạnh đến nền kinh tế, nhưng nó sẽ là cơ hội để bắt đầu cuộc cải cách chính trị, sau này sẽ lần lượt triển khai mở cửa dư luận báo chí, tổng tuyển cử huyện thị, bán độc lập tư pháp…”.
Cho dù thư ngỏ của “Tập Viễn Bình” là thật hay giả, và bất luận bức thư này nhằm mục đích “ủng hộ Tập” hay “phản Tập”, ý nghĩa của bức thư nằm ở chỗ “cải cách chính trị” vốn là một “vùng cấm” từ lâu, là chuyện “không dám mơ tưởng” của quần chúng, là cái cớ hoàn mỹ cho các cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng, nhưng những thứ liên quan đến “cải cách chính trị” đã từ “cánh gà” tiến thẳng lên sân khấu, từ những tiếng lẩm bẩm đến việc công khai phát ngôn, điều này trên thực tế đã chặn đường lui của Tập Cận Bình, đồng nghĩa với việc gửi chiến thư cho Tập Cận Bình, ép Tập Cận Bình phải bày tỏ thái độ và lựa chọn.
Tập Cận Bình đã hai lần khiến người đời phải “sửng sốt”. Lần đầu tiên, Tập lên nắm quyền là kết quả của sự thỏa hiệp của nhiều phe phái khác nhau của ĐCSTQ. Mọi người đều cho rằng Tập rất “xoàng xĩnh tầm thường” và cũng không hy vọng nhiều ở Tập, không nghĩ rằng Tập có ý định “đả hổ, diệt ruồi” (chống tham nhũng), khiến cục diện chính trị biến đổi lớn như vậy.
Lần thứ hai khiến mọi người kinh ngạc đó là, các giới cho rằng Tập sẽ “đả hổ” ngẫu nhiên không màng đối phương là ai, “Bắt giặc trước tiên phải bắt tướng”, “tóm” gọn Giang, Tăng mở ra một cục diện mới. Không ngờ rằng Tập lại thỏa hiệp với Giang, Tăng trước và sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19, khiến chiến dịch đả hổ diệt ruồi rơi vào đình trệ.
Kể từ Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19, mặc dù thanh thế của Tập đạt đến đỉnh cao là nhờ thông qua việc “sửa đổi hiến pháp”, nhưng chẳng khác gì “mộ hư danh mà chuốc lấy họa thực”, việc này đồng nghĩa với phát ra “chỉ lệnh” tập hợp các lực lượng phản Tập.
Mặt khác, những sự kiện như chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, phong trào dân chủ chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, đại dịch bệnh… lũ lượt kéo đến, Tập vẫn cố xoay vần trong thể chế này của ĐCSTQ, càng xoay càng hỗn loạn, tình thế ngày càng cấp bách.
Vậy thì, liệu Tập có đem đến cho chúng ta điều “bất ngờ” thứ ba không? Nếu có, bất ngờ này sẽ là gì?
Lại nhắc đến chủ đề “Lưỡng hội” toàn quốc, chỉ dựa vào việc Tập lợi dụng quyền lực, không đến nỗi là không vượt qua được cửa ải “Lưỡng hội”, nhưng ngày tháng sau này còn dài, việc này sẽ trở nên khó khăn hơn, Tập sẽ bị ép “cải cách chính trị” là chuyện không phải là không có khả năng. Thế mới gọi là “trốn được một lần, nhưng không thể trốn được cả đời”. Chỉ cần vẫn còn có những người lý trí, thì họ sẽ hiểu rõ tình hình hơn ai hết.
Craig Hamilton-Parker, một nhà tiên tri người Anh, người năm đó đã dự đoán đúng về thành công cuộc bầu cử của Tổng thống Trump vào năm 2016, cuối năm ngoái cũng đã dự đoán rằng năm 2020 Trung Quốc sẽ có một cuộc cách mạng: Cuộc đấu tranh chống dự luật dẫn độ của Hồng Kông sẽ có một bước tiến mới, Trung Quốc đại lục sẽ nổ ra một cuộc bạo động, trước tình thế chính phủ ĐCSTQ sắp bị lật đổ, Tập Cận Bình sẽ đồng ý thực hiện một cuộc cải cách trọng đại, về lâu về dài, Dân chủ chân chính theo lời giáo huấn của Tôn Trung Sơn sẽ xuất hiện. Liệu dự ngôn có thành thật hay không? Hiện vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Hiện nay, trọng tâm của tình hình chính trị của ĐCSTQ trong một thời gian không phải chủ yếu là liệu Tập Cận Bình có vượt qua được “Lưỡng hội” quốc gia hay phiên họp toàn thể lần thứ 5 – sẽ diễn ra trong vài tháng tới hay không, mà là liệu Tập Cận Bình có thể phá vỡ cục diện – thúc đẩy một cuộc cải cách chính trị.
Tất nhiên, bất kỳ “cải cách chính trị” nào của Tập phải dựa vào việc “triệt tiêu ĐCSTQ” làm tiền đề, nếu không, sẽ không thể vượt qua được “hố sâu” này. Cổ nhân nói: “Người gặp muôn vàn khó khăn phải bạo dạn, đứng trước hai lựa chọn phải tĩnh tâm”. Nếu “sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay, trước mắt muốn quay trở về cũng không còn lối”, thì e là đã quá muộn màng.
Tác giả: Vương Hách
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT TinhHoa.Net)
Gia Hưng (Theo Epoch Times)