Vài ngày trước, một học giả về Lịch sử Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, dịch bệnh lần này là một canh bạc lớn của Tập Cận Bình. Ông ta đánh cược quyền lực của mình, đặt cược bằng mạng sống của người dân. Nếu như thắng thì ông ta có thể tuyên bố đạt được chiến thắng vĩ đại.
Ngày 9/1/2020, tờ Apple Daily đưa tin, vào ngày 1/12/2019, một người đàn ông 70 tuổi sống gần chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán có biểu hiện sốt, khó thở, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện điều trị. Sau đó, tình trạng của ông xấu đi.
Đến ngày 29/12, ông được chuyển đến Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán. Ông hiện là bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đầu tiên được tìm thấy. Trong suốt tháng 12, người dân Vũ Hán gần như đều không biết đến sự tồn tại của virus này.
Cho đến ngày 30/12, có người đã tiết lộ trong một nhóm trò chuyện rằng: “Chợ trái cây và hải sản Hoa Nam có 7 trường hợp được chẩn đoán nhiễm SARS”. Trong số 8 người đầu tiên tiết lộ thông tin có bác sĩ Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nhưng cuối cùng họ bị cảnh sát kỷ luật và bị buộc tội tạo tin đồn.
Vào thời điểm này, hầu hết người dân Vũ Hán vẫn tin vào chính phủ ĐCSTQ, bao gồm Trương Nghị, một công dân 54 tuổi: “Chúng tôi chỉ biết rằng ai đó bị bệnh từ chợ Hoa Nam (ngày 1/1)”. Trương Nghị nghĩ rằng, một khi cảnh sát nói bệnh viêm phổi là tin đồn, chỉ là chợ thủy sản Hoa Nam có vấn đề, vậy thì không đi đến khu vực đó là được rồi. Dù sao chính quyền luôn nhấn mạnh rằng có thể phòng ngừa và kiểm soát, và không có bằng chứng về việc truyền từ người sang người.
Bài báo nói rằng, năm mới đến gần, Vũ Hán trở nên sôi động, mọi người đi khắp nơi chào đón năm mới. Người thân và bạn bè đoàn tụ ăn tất niên, đi nghỉ lễ, rời Vũ Hán về quê nghỉ Tết. “Ngày 18, chúng tôi vẫn đang ăn tất niên, gọi một vài bàn”, giờ nghĩ lại, Trương Nghị thật may mắn khi cả nhà không ai nhiễm bệnh.
Khi đó dịch COVID-19 vẫn đang tồn tại, nhưng giữa tháng 1 các chuyên gia vẫn nhấn mạnh có thể phòng ngừa và kiểm soát, cũng chỉ có Vũ Hán và Hồng Kông thông báo tình hình bệnh dịch mỗi ngày, như thể virus có thể tự giác, không vượt qua ranh giới thành phố.
Ngày 20/1, bước ngoặt đã được mở ra, chuyên gia Vương Quảng Phát, người từng tuyên bố dịch bệnh “có thể phòng ngừa và kiểm soát được” cũng bị nhiễm bệnh. Lúc này, Chung Nam Sơn, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, Tổ trưởng nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc mới chỉ ra rằng virus chắc chắn có thể truyền từ người sang người, Tập Cận Bình lần đầu tiên nói về dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh được công bố trên cả nước cũng đột nhiên tăng vọt sau ngày này.
Dân chúng cuối cùng cũng biết rằng viêm phổi Vũ Hán không như lời chuyên gia nói rằng “tính truyền nhiễm yếu”. Một lượng lớn người dân nghi ngờ rằng họ bị sốt, nhanh chóng đến bệnh viện, tranh cướp nhau mua khẩu trang, thậm chí là Banlangen (một loại thảo dược).
2 giờ sáng ngày 23/1, Vũ Hán tuyên bố phong tỏa thành phố lúc 10 giờ sáng, rất nhiều người đã nhanh chóng rời khỏi Vũ Hán. Cùng với những người đã rời đi trước đó, ước tính khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố.
Nghĩ đến ngày phong tỏa thành phố, Trương Nghị thở dài nói: “Chúng tôi phải giải quyết vấn đề thức ăn nước uống như thế nào, mọi người trong siêu thị đều rất đáng sợ”.
Sau đó phạm vi phong tỏa dần được mở rộng, Hồ Bắc đột nhiên trở thành nơi “không ai tới gần”. Số người nhiễm bệnh trên toàn quốc tăng theo cấp số nhân, giường bệnh rất khó cung cấp. Bệnh viện tạm thời được xây dựng ở khắp nơi. Nhiều người nằm chờ chết ở nhà, thậm chí có gia đình mà cả nhà đều bị thiệt mạng vì COVID-19. Đạo diễn Hồ Bắc Thường Khải cùng cha mẹ và chị gái đều chết vì viêm phổi Vũ Hán.
Vũ Hán phong tỏa thành phố trong hơn một tháng, Trương Nghị nói: “Nhiều người đã phát điên, nhảy lầu và đến bệnh viện tâm thần”. Gần 2 tháng sau, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc dường như im ắng, số bệnh nhân mắc bệnh ở mỗi tỉnh giảm mạnh và chính phủ bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp làm việc trở lại, nhưng nó lại là một trò ‘đánh cược’ để xem có nên đi làm trở lại hay không. Ở Vũ Hán nhiều người bị tái phát bệnh sau khi hồi phục và rời bệnh viện, có người thậm chí vì vậy mà qua đời.
Bài báo chỉ ra, những tin tức liên quan nhanh chóng bị yêu cầu xóa bỏ, bởi vì ĐCSTQ đã chính thức ra lệnh phải báo cáo “tin tốt”, mặc cho những thảm cảnh đang phơi bày ra trước mắt, thậm chí còn tuyên truyền: “Thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn”. Trương Nghị cho rằng, ĐCSTQ cần phải xin lỗi thế giới mới đúng, chỉ vì ĐCSTQ che giấu dịch bệnh mà làm cho “toàn thế giới đều bị cách ly, toàn thế giới đều có virus”.
Chương Lập Phàm, học giả Lịch sử Đảng của ĐCSTQ phân tích, trong 100 ngày qua, Tập Cận Bình luôn chơi trò “liều mạng”, chơi đùa với mạng sống của người dân. “Đây là một canh bạc lớn. Ông ta nghĩ rằng dịch bệnh sẽ lắng xuống và ông đánh cược điều này”. Tuy nhiên, dịch bệnh rõ ràng kiên cường hơn tưởng tượng.
Hiện tại, các quốc gia có tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất là Iran, Hàn Quốc và Ý. Tính đến ngày 11/3, Iran có 8.042 ca lây nhiễm và 291 người tử vong. Hàn quốc có 7.755 ca nhiễm bệnh và 61 người tử vong. Ngoài Trung Quốc thì Ý là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Ý đã ở mức 10.149 ca, trong đó có 631 ca tử vong, một số khu vực đã phải tiến hành phong tỏa.
Minh Huy (Theo NTDTV)