Trong chuyến đi xuống phía Nam mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đề cập đến vấn đề “tự lực cánh sinh”. Trước động thái của ông Tập, học giả đại học Sán đâu đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên kinh tế kế hoạch.
Vào 12/10, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Tổng bí thư ĐCSTQ đến thăm một công ty công nghệ đã được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty tư nhân ở Triều Châu, đã tuyên bố rằng Trung Quốc hiện đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, càng phải “tự lực cánh sinh” ở mức độ cao hơn nữa.
Theo các phương tiện truyền thông chính thống, Tập Cận Bình đã đưa ra những nhận xét này trong chuyến đi thị sát Công ty TNHH Tam Hoàn, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông phía Nam của Trung Quốc. Công ty Tam Hoàn đã chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân cách đây 20 năm, Chủ tịch Trương Vạn Trấn từng là Phó thị trưởng Triều Châu, có quan hệ sâu rộng với giới quan chức.
Ý định ban đầu của chính quyền Trung Quốc khi thành lập các đặc khu kinh tế là dùng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thông qua việc các doanh nhân nước ngoài đặt nhà máy tại các đặc khu kinh tế, để học hỏi phương pháp quản lý khoa học. Vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, Tập Cận Bình nhắc lại khả năng “tự lực cánh sinh” khi đến thị sát một “doanh nghiệp tư nhân” có nền tảng là doanh nghiệp nhà nước, đã khiến mọi người chú ý.
“Tự lực cánh sinh” được đề xuất bởi Mao Trạch Đông – cố lãnh đạo ĐCSTQ, khi chế độ Cộng sản Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế cô lập vì bản chất độc tài của nó. Trong Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông đã sử dụng khẩu hiệu này để “bế quan tỏa cảng” Trung Quốc, vạch ra ranh giới với phương Tây.
Trên thực tế, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, ông Tập Cận Bình đã 2 lần nhắc đến khẩu hiệu này của Mao trong năm 2018.
Vào tháng 9/2018, Tập Cận Bình đã nói với các công nhân khi thị sát Tập đoàn máy móc hạng nặng số 1 của Trung Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang: “Trên bình diện quốc tế, các công nghệ tiên tiến và công nghệ then chốt ngày càng trở nên khó đạt được. Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trở thành trào lưu, buộc chúng ta phải đi theo con đường tự lực cánh sinh”.
Vào ngày 22/10/2018, khi Tập Cận Bình đến Quảng Đông để thị sát công ty sản xuất thiết bị điện Gree Electric, một lần nữa ông nhấn mạnh rằng ngành sản xuất “nắm giữ các công nghệ cốt lõi quan trọng”, phải dựa vào “tự lực cánh sinh phấn đấu” và “tự chủ không ngừng sáng tạo đổi mới”.
Ông Phùng – một học giả tốt nghiệp Đại học Sán Đầu, bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do rằng, từ loạt bài phát biểu gần đây của Tập Cận Bình, có thể thấy rằng Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên kinh tế kế hoạch:
“Thực tế chính là “quốc tiến dân thoái”’. Hiện ông ấy muốn tìm một mô hình kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ và dựa trên hệ thống phân phối tài nguyên quốc gia. Nói thẳng ra vẫn là ‘quốc tiến dân thoái’ và kinh tế kế hoạch, về bản chất không có gì khác biệt. Cái gọi là cải cách cũng phải được thực hiện với tiền đề là kiểm soát tuyệt đối tài nguyên quốc doanh, cải cách phân phối tài nguyên, chính là nền kinh tế kế hoạch”.
Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 sẽ được tổ chức vào cuối tháng này. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” sẽ được xem xét. Kể từ khi “Kế hoạch 5 năm” đầu tiên được xây dựng vào năm 1953, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã ban hành 13 “Kế hoạch 5 năm”. Bản thân điều này đã mang màu sắc của một nền kinh tế kế hoạch và dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, mối lo ngại Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch đang dấy lên khắp nơi.
Trong những năm gần đây, hiện tượng nền kinh tế ‘rẽ trái’ “quốc tiến dân thoái” đã gây ra nhiều tranh cãi. Ngay trước khi Tập Cận Bình xuống miền Nam tới Quảng Đông, Lệ Hữu Vi (82 tuổi) – cựu Bí thư Thành ủy Thâm Quyến của ĐCSTQ, gần đây đã viết một bài báo với tiêu đề “Lộ tại hà phương” (Lối đi ở đâu) trên tờ Văn hối của Hồng Kông, đề cập rằng trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, có người cho rằng Mỹ ngấm ngầm chờ Trung Quốc mắc sai lầm và tự gục ngã khi phải chịu áp lực từ bên ngoài, tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ từ bên ngoài, “sai lầm dễ mắc phải nhất là ‘rẽ trái’”.
Bài viết cho rằng, có hai con đường để cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp của Trung Quốc. Thứ nhất là dựa trên quy luật nền kinh tế thị trường để phân bổ nguồn lực, với lợi thế của tư nhân và sở hữu nhà nước bổ sung cho nhau; hai là do chính phủ lãnh đạo, với phương thức hành chính để phân bổ nguồn lực chính, “ra chỉ thị cho các doanh nghiệp nhà nước, ‘nuốt chửng’ các doanh nghiệp tư nhân ưu tú”.
Bài viết ngầm chỉ trích rằng, chính phủ ĐCSTQ hiện đang đi theo đường lối của Mao Trạch Đông là có khuynh hướng cực tả và coi trọng nền kinh tế quốc hữu.
Trước đó, vào giữa tháng 9, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành văn bản đầu tiên trong 42 năm nhằm tăng cường “mặt trận thống nhất” của các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cải cách sở hữu hỗn hợp và “điều chỉnh lợi ích.” Trong nửa đầu năm nay, 112 công ty niêm yết cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đã công bố thay đổi kiểm soát viên thực tế của họ, trong đó 46 doanh nghiệp tư nhân bị các doanh nghiệp nhà nước nuốt chửng. Xu thế “quốc tiến dân thoái” đang được tăng tốc.
Lương Phong