Hoàng Chi Phong, tổng thư ký của đảng dân chủ Demosistō ở Hồng Kông, trên Twitter đã lên tiếng chỉ trích WHO vì không thực thi nhiệm vụ của mình mà nghe theo ĐCSTQ.
Tuyên bố này của Hoàng Chi Phong được cập nhật trên Twitter của anh liên tiếp vào các ngày 15 – 16/4, thời điểm sau hàng loạt các sự kiện cho thấy uy tín của WHO đang suy giảm nghiêm trọng.
“Dưới sự lãnh đạo của DrTedros, WHO đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để ngăn chặn coronavirus, khi coronavirus lần đầu tiên bùng phát ở Vũ Hán. WHO chỉ đơn giản chấp nhận thông tin một phía do Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra.” Anh viết lên trang twitter.
Đồng thời trong đoạn Tweet khác, Hoàng Chi Phong cho rằng: “Mặc dù WHO chưa bao giờ báo cáo những hành động xấu của ĐCSTQ, chẳng hạn như chiến dịch tin giả để đổ lỗi cho quân đội Hoa Kỳ đã lan truyền coronavirus ở Vũ Hán, rồi họ liên tục chỉ trích các chiến lược phòng chống dịch bệnh được chính phủ châu Âu và Mỹ áp dụng.”
Anh cũng nhấn mạnh: “Với 20 triệu USD từ ĐCSTQ, WHO đã trở thành cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, bằng mọi cách, sẽ bảo vệ danh tiếng của ĐCSTQ thay vì đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong hợp tác y tế toàn cầu.”
Hôm qua 15/4, Hoàng Chi Phong cũng lên tiếng kêu gọi người Hồng Kông và Đài Loan hãy hỗ trợ các quốc gia hạ nguồn Mekong đang bị ĐCSTQ chèn ép. Anh nói rằng: “Tôi kêu gọi người Hồng Kông và Đài Loan hỗ trợ các đồng minh của chúng ta ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trung Quốc hoàn toàn vô đạo đức khi kiểm soát nguồn nước sông Mê Kông và để người dân chết vì hạn hán nghiêm trọng. Trung Quốc phải #StopMekongDam.”
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 14/4 với nhóm đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “ngừng cấp ngân sách cho WHO trong khi tiến hành điều tra vai trò của tổ chức này trong việc che giấu thông tin và không quản lý được sự lây lan của virus Vũ Hán (SARS-CoV-2)” .
Tổng thống Trump lâu nay cũng tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu dịch bệnh Vũ Hán nhằm khiến Mỹ, đối thủ kinh tế chính của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Theo ông, điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.
Chúc Di (t/h)