Hôm Thứ Bảy (6/12), Hoàng Chi Phong, thủ lĩnh sinh viên vốn đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông, đã chấm dứt tuyệt thực sau bốn ngày.
Hoàng cho biết, anh phải ngừng tuyệt thực sau 108 giờ theo lời khuyên của bác sỹ.
Cũng trong hôm Thứ Bảy (6/12), Hoàng Tử Duyệt, một lãnh đạo khác của phong trào sinh viên cũng phải ngừng tuyệt thực. Nữ sinh 17 tuổi này được đưa vào bệnh viện bằng xe cứu thương theo lời khuyên của bác sĩ.
Tuy nhiên, theo Chi Phong cuộc đấu tranh của người biểu tình vẫn tiếp diễn. Ba sinh viên khác vẫn đang tiếp tục tuyệt thực.
Phong trào dân chủ của sinh viênbắt đầu hai tháng trước để kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh bãi bỏ việc kiểm duyệt ứng viên cho vị trí đặc khu trưởng ở Hồng Kông vào năm 2017.
Các cuộc biểu tình lúc đầu do sinh viên khởi động đã thu hút hàng chục nghìn người xuống đường.
Vào những ngày qua con số người biểu tình giảm nhiều, chỉ còn lại hai trại biểu tình ở khu vực trung tâm thành phố sau khi một trại thứ ba bị cảnh sát giải tán hôm Chủ nhật (30/11).
Hoàng và các bạn đã bắt đầu ‘tuyệt thực vô thời hạn’ hôm 1/12. Mục đích của hành động này kêu gọi chính quyền nối lại đàm phán về các cải cách bầu cử.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Hồng Kông không chịu nhượng bộ yêu sách này.
“Là một chính quyền, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hành động phi pháp nào… hay những hành động như tuyệt thực để thuyết phục chúng tôi nhượng bộ”, ông Raymond, người phụ trách các vấn đề của Hồng Kông tại đại lục, cho biết.
Thông báo kết thúc tuyệt thực được đăng tải trên trang Facebook cá nhân, Hoàng cho biết, anh cảm thấy “trong người rất khó chịu, chóng mặt và tay chân yếu đi”.
“Thậm chí khi tôi ngừng tuyệt thực thì cũng không có nghĩa là chính quyền Hồng Kông có thể phớt lờ yêu cầu của chúng tôi”, anh viết.
Diễn biến khác của phong trào cho thấy, những tranh cãi về việc bầu cử đặc khu trưởng năm 2017 dường như có xu hướng chuyển từ đường phố sang đấu trường chính trị hôm Chủ Nhật (7/12) khi giới chức cam kết thực hiện vòng đàm phán thứ hai “ngay sau khi phong trào Chiếm Trung Tâm kết thúc”.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Tổng Thư Kí văn phòng chính phủ Hồng Kông phát biểu trước khi vào cuộc hội đàm bắt đầu, “tôi sẵn sàng gặp gỡ sinh viên và lắng nghe họ”.
Theo BBC, SCMP