Nguồn gốc của con người (Homo sapiens) và sự phân tán ra toàn cầu là một câu hỏi mấu chốt về sự tiến hóa của loài người trong hơn 1 thế kỷ qua.
Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi trước đây cho rằng người vượn cổ ở châu Phi tiến hóa thành con người khoảng 200.000 năm trước đây và di cư khỏi châu lục này cách nay khoảng 60.000. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ mới luôn thách thức quan điểm hiện đã lỗi thời này.
Một báo cáo được công bố gần đây trên New Scientist đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, khi nêu những khám phá gần đây ở Trung Quốc và Đông Nam Á, cho thấy Homo sapiens có thể đã xuất hiện ở khu vực này rất lâu trước lý thuyết “rời khỏi châu Phi” mà chúng ta đã tin.
Tháng trước, ông Christopher Bae thuộc Đại học Hawaii ở Manoa và ông Vương Vĩ ở Bảo tàng Dân tộc học Quảng Tây tại Nam Ninh, Trung Quốc và các đồng nghiệp đã công bố phát hiện 2 chiếc răng trong hang động Luna ở khu vực Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Những kiểm nghiệm cho thấy chúng thuộc về con người thời kỳ đầu. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Đệ tứ Quốc tế (Quaternary International) cho thấy, tinh thể canxit (được hình thành khi nước chảy trên răng và nền hang động) có niên đại từ 70-125.000 năm trước. Vì vậy, ông Bae và Vương cho rằng 2 chiếc răng là bằng chứng về một làn sóng người hiện đại xuất hiện sớm ở Đông Á.
Tuy nhiên, đây không phải là phát hiện hóa thạch người duy nhất bên ngoài châu Phi có thể làm đảo lộn quan niệm truyền thống về thời điểm tổ tiên chúng ta di cư khỏi lục địa đen. Trong 10 năm qua, các nhà khảo cổ tìm thấy một hàm trên của con người hiện đại khoảng 150.000 năm trong hang động Misliya ở Israel, cũng như một xương hàm và 2 răng hàm ở Zhirendong – một hang động ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, có niên đại khoảng 100.000 năm.
“Có bằng chứng chắc chắn cho thấy con người hiện đại đã xuất hiện ở Tam Pa Ling (Lào) khoảng 50.000 hoặc 60.000 năm trước, và xương hàm dưới ở Zhirendong có nhiều đặc điểm của người hiện đại. Vì vậy, có thể nói người hiện đại đã có mặt tại Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc ít nhất trong khoảng thời gian từ 50.000-60.000 năm trước”, Erik Trinkaus của Đại học Washington ở St Louis, Missouri, người đã tham gia vào việc xác định bộ xương hàm và răng Zhirendong, nhận định
Những phát hiện như trên đã thay đổi hoàn toàn lý thuyết về thời gian con người di cư ra khỏi châu Phi. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, những khám phá trên có thể đã tồn tại loài người tiến hóa ở các vùng khách trên thế giới trong cùng khoảng thời gian tương tự, chứ không phải tất cả con người hiện đại đều có nguồn gốc từ châu Phi.
Dù thế nào đi nữa, có thể chắc chắn rằng quan niệm loài người chỉ có mặt ở các khu vực ngoài châu Phi từ 60.000 năm trở lại đây là không chính xác. Cho đến nay, các nhà khoa học và khảo cổ học đã có đủ bằng chứng để thay đổi toàn bộ quan điểm này; những người ủng hộ lý thuyết “rời khỏi châu Phi” cần xem lại quan điểm của mình để mở đường cho một hướng nghiên cứu khác về nguồn gốc của loài người chúng ta.
Anh Kiệt (Theo Ancient-origins.net)