Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã chỉ trích chính quyền Hồng Kông vì lần đầu tiên sau 30 năm không phê chuẩn tổ chức sự kiện “đêm thắp nến tưởng niệm ngày 4/6″. Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện “Lục tứ” (4/6/1989), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tổ chức tưởng niệm trực tuyến cuộc thảm sát này nhằm “không để Trung Quốc xóa nhòa ký ức Thiên An Môn”.
Theo lịch trình công khai của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào 2h30 chiều 2/6, ông Pompeo đã có cuộc gặp gỡ những người sống sót sau sự kiện “Lục Tứ”, còn được biết đến với tên gọi “Biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 1989”.
Cùng ngày, trong một bài đăng trên Twitter, ông Pompeo chỉ trích chính quyền Hồng Kông lần đầu tiên sau 30 năm không phê chuẩn tổ chức sự kiện “đêm thắp nến tưởng niệm ngày 4/6″ hàng năm. Ngoại trưởng Pompeo nói:
“Nó đã bắt đầu, quá sớm. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm, chính quyền Hồng Kông từ chối phê chuẩn tổ chức sự kiện ‘đêm thắp nến tưởng niệm ngày 4/6’. Nếu có bất kỳ nghi ngờ gì về ý đồ của Bắc Kinh, thì đó chính là không cho người dân Hồng Kông lên tiếng và lựa chọn, khiến họ giống như người Trung Quốc. Cái gọi là “hai chế độ” (chính sách một quốc gia, hai chế độ) đã hoàn toàn kết thúc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus đã đăng lại bài đăng trên Twitter của ông Pompeo hôm 2/6 và viết: “Chúng tôi thúc giục chính quyền Hong Kong cho phép người dân được ôn hòa tưởng niệm các nạn nhân của ĐCSTQ”.
Hôm 2/6, chính quyền Hồng Kông của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố kéo dài “lệnh hạn chế tụ tập” để phòng chống dịch bệnh đến ngày 4/6. Động thái này thực ra là cấm người dân tập trung tại Công viên Victoria vào ngày 4/6 để tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Từ 30 năm trước, Liên minh Hồng Kông (tổ chức hỗ trợ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc) và các tổ chức dân sự khác đều tổ chức hoạt động kỷ niệm quy mô lớn hàng năm. Phe dân chủ Hồng Kông cho biết năm nay họ sẽ tổ chức hoạt động phân tán ở các nơi.
Cho đến nay, cuộc thảm sát người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn vẫn là một trong những sự kiện chính trị nhạy cảm nhất của Trung Quốc dưới thời cai trị của ĐCSTQ.
Hiện các cuộc tưởng niệm người biểu tình vẫn bị cấm ở Trung Quốc và các thông tin về vụ thảm sát vẫn đang bị chính quyền che giấu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác vẫn không bày tỏ hối hận về cuộc đàn áp này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng coi phong trào dân chủ Hồng Kông là mối đe dọa đến quyền lực của chính phủ.
Ông Beau Miller, quan chức phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Văn phòng Đông Á của Bộ Lao động và Nhân quyền Dân chủ Mỹ, người chịu trách nhiệm về hoạt động tưởng niệm trực tuyến nhân ngày 4/6 cho biết trong một email: “Chúng tôi quyết tâm không để ĐCSTQ xóa bỏ ký ức về Quảng trường Thiên An Môn”.
Lương Phong(t/h)