Sau khi đăng quang hoa hậu Anh, Bhasha Mukherjee (1996) đã thôi công việc là một bác sĩ của mình để chuyên tâm vào vai trò hoa hậu. Cô đã nhận nhiều lời mời làm đại sứ cho các tổ chức từ thiện và được đi đến rất nhiều nơi. Cho đến một ngày các đồng nghiệp của Mukherjee cho biết, giữa dịch virus Vũ Hán, nước Anh đang rất cần thêm đội ngũ y tế…
Bhasha Mukherjee từng tốt nghiệp ĐH Nottingham với điểm số thuộc nhóm cao nhất của khóa. Cô nhận hai bằng cử nhân ngành Y, và sau đó chính thức trở thành một bác sĩ.
Tuy nhiên sau khi đăng quang hoa hậu năm 2019, Mukherjee đã từ bỏ công việc để tham gia làm đại sứ cho các tổ chức từ thiện, cùng những chuyến đi của mình ở khắp nơi trên thế giới.
“Tôi được mời đến châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Ấn Độ, Pakistan và một số nước châu Á khác để làm đại sứ cho các công việc từ thiện khác nhau”.
Sự lựa chọn cao quý của một “Hoa hậu tuyệt sắc”
Cho đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở Anh và toàn thế giới, Bhasha Mukherjee bỗng nhận được tin nhắn từ các đồng nghiệp cũ của mình tại Bệnh viện Pilgrim ở Boston (Anh), nơi cô từng làm việc.
“Tôi đã nghe các đồng nghiệp của mình nói về những ngày làm việc rất dài của họ, và thậm chí mỗi người phải đảm nhận rất nhiều những vị trí khác nhau và cả những công việc mà trước đây họ chưa từng chịu trách nhiệm. Vì thế tôi cảm thấy bản thân muốn quay trở lại công việc ngay lập tức”.
Mặc dù khi đó, Mukherjee vẫn đang trong chuyến từ thiện tại Ấn Độ, nhưng khi nhận được những dòng tin nhắn của các đồng nghiệp, thì cảm giác nôn nóng được mau chóng trở lại Anh trong Mukherjee bắt đầu trỗi dậy.
Mukherjee cho rằng cô bắt đầu thấy có lỗi khi đội chiếc vương miện Hoa hậu, trong khi nhiều người trên khắp thế giới đang chết dần vì Covid-19, còn các đồng nghiệp của cô cũng đang nỗ lực hết mình để cứu giúp người dân.
“Bạn biết đấy! Phụ nữ ai cũng muốn mình thật xinh đẹp, ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng thực sự lúc này này tôi chỉ muốn được về quê nhà và lao thẳng đến bệnh viện, với công việc của một bác sĩ. Nhân dân của tôi cần một người thầy thuốc, không cần một người đẹp!”
Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao Anh tại Ấn Độ, Mukherjee đã sớm được về nước, bằng chuyến bay từ Ấn Độ đến Frankfurt (Đức), sau đó tới London (Anh). Cô cũng tự thực hiện nghiêm túc việc cách ly bản thân trong khoảng 2 tuần, sau đó sẽ quay trở lại làm bác sĩ tại Bệnh viện Pilgrim.
“Tôi tin rằng đây chính là lúc thích hợp nhất để ứng dụng những kiến thức đã học. Tôi muốn là một trong những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch“.
Mặc dù vậy, nhưng trước khi đưa đến quyết định như thế, Mukherjee cũng thừa nhận rằng, cô đã từng rất sợ hãi.
“Tôi không biết liệu tôi đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho việc đối mặt với những bệnh nhân không may qua đời vì dịch bệnh không, và làm thế nào để bản thân không tự trách mình nếu điều đó xảy ra. Đó là những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu tôi.”
Được biết, tính đến nay, Vương quốc Anh đã ghi nhận hơn 55,000 trường hợp mắc COVID-19, và hơn 6.000 trường hợp tử vong, đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm.
Chúc Di (t/h)