Tinh Hoa

Hoa hậu Anastasia Lin: Đối với chính quyền Trung Quốc, lập trường phải vững vàng

Sau sự kiện Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc mắng phóng viên Canada trong buổi họp báo ở Ottawa gây dậy sóng dư luận, hoa hậu thế giới Canada là Anastasia Lin đã bày tỏ ý kiến của mình trên trang Globe and Mail.

Hoa hậu Anastasia Lin trong cuộc họp báo sau khi Trung Quốc từ chối cấp thị thực để ngăn cô tham dự cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2015. (Ảnh: Philippe Lopez | AFP | Getty Images)

Anastasia Lin phát biểu trên tạp chí Globe and Mail, một trong những trang báo có ảnh hưởng nhất ở Canada, rằng cô hy vọng chính phủ và lãnh đạo đất nước Canada khi đối diện với hành vi như trên của chính quyền Trung Quốc, vẫn kiên trì giữ vững giá trị quan của một quốc gia tự do phương Tây.

Justin Trudeau, Thủ tướng đương nhiệm của Canada, hôm Thứ Bảy (3/6) bày tỏ, chính phủ Canada rất bất bình trước sự kiện này.

Trước đó, vào ngày 27/11/2015, hoa hậu Anastasia Lin đã tổ chức họp báo ở Hồng Kông để nói về việc bản thân cô bị chính quyền Trung Quốc từ chối cấp thị thực và không thể tham gia cuộc thi hoa hậu thế giới được tổ chức ở Hải Nam.

Anastasia Lin là nữ diễn viên và là người khởi xướng nhân quyền ở Toronto. Năm 2015, cô đã đạt vương miện Hoa hậu Thế giới Canada và được cử đi tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền nước này đã từ chối cấp thị thực để ngăn cô tham gia cuộc thi. Ngoài ra, cô cũng nhận được tin cha cô, người đang sinh sống tại Trung Quốc, đã bị chính quyền địa phương nhũng nhiễu và gây áp lực.

Anastasia Lin cũng là nữ diễn viên đóng vai chính trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” (The Bleeding Edge), bộ phim đã giành được giải thưởng Gabriel Awards lần thứ 51 của Mỹ vào ngày 2/6.

Từ trái sang phải: Susan Wallace, Chủ tịch hội đồng trao giải; Leon Lee, đạo diễn phim “The Bleeding Edge”; và David Hains, Giám đốc học viện Catholic Academy, tại buổi trao giải Gabriel Awards. (Joyce Mitchell/ Epoch Times)

Đối diện với cách nói “người Trung Quốc mới có quyền nói về nhân quyền Trung Quốc” mà Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra, Anastasia Lin cho biết:

“Là một Hoa kiều ở Canada, xuất phát từ tình thương đối với cả hai đất nước này, tôi tán thành việc chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của người Trung Quốc. Để chúng ta có thể cảm nhận được những trải nghiệm và nỗ lực liên quan đến việc thúc đẩy nhân quyền của họ; để chúng ta cảm nhận được những hỗn loạn, sợ hãi và bức hại mà họ phải chịu đựng dưới ách thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc; để chúng ta cảm nhận được chút gì đó trong cách công kích mang tính lấn lướt của ông ngoại trưởng Trung Quốc đối với họ, cho đến cái cách không màng đến những con người vô tội này”.

“Mỉa mai thay khi phát ngôn này của Trung Quốc lại xuất hiện đúng vào 3 ngày trước ngày tưởng niệm sự kiện Lục Tứ (thảm sát sinh viên ngày 4/6). Và 4/6 trở thành ngày thích hợp nhất để lắng nghe tiếng lòng của người Trung Quốc. Cũng giống như nhiều Hoa kiều Canada khác, mỗi năm tôi đều theo dõi ngày này. Ngày 4/6/1989, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc điều động quân đội truy quét sinh viên và người dân thành thị trên quảng trường Thiên An Môn, nơi mà học sinh và dân chúng chỉ yêu cầu quyền dân chủ, kết thúc tình trạng tham nhũng mất kiểm soát. Theo thống kê, hàng ngàn thanh niên đầy triển vọng về tương lai, những sinh mệnh vô tội đã ngã xuống dưới làn mưa đạn, hoặc bị xe tăng cán chết trên đường”.

“Đây là một trong những ví dụ điển hình nhất về ‘quyền ngôn luận’ mà người Trung Quốc nếm trải. Hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra đối với họ: bị tàn sát dã man”.

“Mười năm sau, những người tu luyện Pháp Luân Công trầm tĩnh, ôn hòa tập trung bên ngoài Trung Nam Hải, Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Và chỉ vỏn vẹn mấy tháng sau, chính quyền này đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo mà tội lỗi rợp trời dậy đất. Hàng chục triệu người tu luyện bị tuyên bố là kẻ thù quốc gia, quyền lợi của họ đã bị tước đoạt”.

Cô nói, khi người Trung Quốc thật sự muốn nói ra suy nghĩ của mình, mọi người đều biết hậu quả xảy ra đối với họ. Tuy nhiên điều đáng chú ý là, loại chèn ép này thậm chí lan rộng sang tầng lớp Hoa kiều ở Canada. Dưới sự công kích và cách thức hăm dọa của chính quyền độc tài lớn mạnh nhất trên thế giới, Hoa kiều Canada bị đặt vào thế yếu.

“Sau khi tôi đạt được ngôi vị Hoa hậu thế giới Canada năm 2015, cha của tôi ở Trung Quốc bị cảnh sát Trung Quốc xông vào nhà uy hiếp. Bạn bè và người thân của tôi ở Canada, khi họ liên lạc với các thành viên gia đình ở Trung Quốc thì những người thân này sẽ bị công an theo dõi, giám sát, uy hiếp hoặc “bị mời uống trà”. Tất cả đều chỉ vì họ đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng ở Canada”.

Cô còn đề cập, khi xảy ra sự việc, Ngoại trưởng Canada chỉ đứng ngoài cuộc mà không lên tiếng. Cô nói, “Tại sao ông không lên tiếng dù chỉ là ‘Chúng tôi đang ở Canada’. Tuy rằng chúng tôi tôn trọng quan điểm của ông về quan hệ giao thương cấp quốc gia; nhưng giới truyền thông chất vấn chính phủ, đây là cách làm của đất nước tự do”.

“Tại sao những người lãnh đạo của chúng ta không thể kiên trì giữ vững các giá trị quan của Canada? Nếu như chúng ta muốn giao thương với chính quyền độc tài, chúng ta cũng nên giữ vững một nguyên tắc cơ bản: Đó là không gây tổn hại đến nguyên tắc của chúng ta thì mọi thứ mới được tiến hành. Chúng ta cần phải để cho họ biết chúng ta có nguyên tắc của mình”.

Theo NTDTV