Tinh Hoa

Hồ sơ Panama: Con trai Hồ Diệu Bang dọa kiện tờ báo đăng tin cáo buộc trốn thuế

Mới đây, con trai của cố Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang đã phủ nhận những cáo buộc trong “Hồ sơ Panama”, đồng thời doạ kiện các cơ quan truyền thông tiếp tục tường thuật về việc này.

Ảnh chụp cố Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang năm 1987. (Ảnh AP)

Ông Hồ Đức Hoa nói với báo chí ở Hồng Kông rằng, ông không có gì để che giấu, rằng việc đăng ký công ty Fortalent International Holdings ở Quần đảo Virgin đã được thực hiện “một cách công khai” và ông lập công ty này với tên thật và hộ chiếu của chính mình.

Hôm 11/4, ông Hồ nói với đài VOA rằng: “Tôi đã kiểm tra lại giấy tờ đăng ký và tôi có thể bảo đảm với quý vị là địa chỉ đăng ký không phải là ‘tư thất của Tổng bí thư Hồ Diệu Bang’ như họ tường thuật”.

Ông này nói thêm rằng, để bảo vệ cho thanh danh của gia đình, ông sẽ thông qua hành động pháp lý để chống lại những cáo giác không đúng sự thật của giới truyền thông.

Các cơ quan truyền thông và các hãng thông tấn tạo ra điều dối trá này phải trưng ra bằng chứng. Nếu không, tôi sẽ sử dụng quyền hạn pháp lý của mình. Bởi vì tin tức mà họ loan tải đã bôi nhọ cựu Tổng bí thư của đảng Cộng Sản Trung Quốc và cá nhân tôi. Họ phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả nghiêm trọng mà hành động của họ đã gây ra, và họ phải công khai xin lỗi và bồi thường một cách thoả đáng”.

Ông Hồ Đức Hoa cho biết, báo chí Hồng Kông gọi ông là “người Trung Quốc đầu tiên và duy nhất dám lớn tiếng phản đối” những tố cáo về những hoạt động đầu tư có thể là bất hợp pháp ở hải ngoại.

Ông nói: “Sự thật là mọi người Trung Quốc bình thường, ngay cả người nước ngoài, ai nấy cũng đều có thể đăng ký một công ty ở Hồng Kông. Tôi tin rằng đó là quyền của họ, trong đó có tôi”.

Ông Hồ Đức Hoa sinh sống ở Hồng Kông khi thành lập công ty vỏ bọc được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”.

Đề tài cấm kỵ

Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt những tin tức và bình luận trên mạng về “Hồ Sơ Panama” do Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế tiết lộ. (Ảnh AP)

Những dữ liệu trong “Hồ sơ Panama” cho thấy việc bỏ tiền vào các công ty vỏ bọc hải ngoại là một việc phổ biến trong giới quyền thế ở Trung Quốc, từ những người trong gia đình của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông cho tới đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy việc sở hữu công ty vỏ bọc hải ngoại không phải là bất hợp pháp, nhưng những công ty đó có thể được dùng để rửa tiền hoặc trốn thuế. Những số của cải khổng lồ mà người thân của các đảng viên đương quyền tích luỹ là một mối quan tâm lớn ở Trung Quốc nhưng nó cũng là một đề tài nhạy cảm và bị kiểm soát hết sức nghiêm nhặt.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã tăng cường việc kiểm duyệt những tin tức và bình luận trên mạng về “Hồ sơ Panama” do Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế tiết lộ.

Nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc đã xoá những đường dẫn trên mạng xã hội về vụ rò rỉ thông tin này và Panama đã trở thành một trong những chữ bị kiểm duyệt nhiều nhất trên internet ở Trung Quốc.

Trấn áp tham nhũng

Chủ tịch Tập Cận Bình, người chủ trương tiến hành cuộc trấn át tham nhũng ở Trung Quốc, bị cáo buộc có em rể thành lập 3 công ty ở nước ngoài thông qua công ty luật Panama.

Vụ bê bối “Hồ Sơ Panama” bùng ra trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng qui mô lớn, trong đó ông đã công khai một số vụ án của những quan chức cấp cao để tìm cách chứng tỏ là Đảng Cộng Sản có thái độ nghiêm túc trong việc bài trừ tham nhũng. Một số người chỉ trích cuộc trấn áp của ông Tập Cận Bình chỉ nhắm tới mục tiêu loại trừ đối thủ chính trị.

Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế cho biết, cuộc phân tích của họ cho thấy tính tới cuối năm 2015, công ty luật Mossack Fonseca đã thu phí của hơn 16,300 công ty vỏ bọc từ Trung Quốc và Hồng Kông, chiếm khoảng 29% doanh thu toàn cầu của công ty này. Trong số những văn phòng ở khắp thế giới của công ty này, văn phòng ở Hồng Kông là “bận rộn” nhất.

Theo VOA