Khi khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, đặc biệt là công nghệ về robot có những bước tiến mạnh, đi kèm theo đó là một nỗi lo ngại không ngừng về hiểm họa khôn lường mà chúng mang lại.
Chủ đề liên quan đến các loại vũ khí tự động có khả năng giết người (hay phương tiện truyền thông thường gọi với cái tên “robot sát thủ”) đã trở lại bàn nghị sự của Liên Hiệp Quốc vào tuần trước. Chiến dịch vận động để ngăn chặn robot sát thủ được đưa ra vào năm 2013, và vấn đề này đã nhanh chóng được tiếp thu bởi Hội nghị của Liên Hợp Quốc về các loại vũ khí thông thường (CCW) ở Geneva.
Toby Walsh – giáo sư về trí tuệ nhân tạo tại Đại học New South Wales và lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại Data61, trung tâm nghiên cứu cao cấp về và công nghệ thông tin và truyền thông ở Sydney, Úc – Người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã đưa ra 5 nguyên nhân chính giải thích tại sao ông thực sự lo ngại trước sự phát triển của Robot sát thủ.
1. Robot sát thủ đang ở rất gần chúng ta
Nếu bạn đã từng xem và tin vào những gì mà bộ phim “Terminator” (Kẻ hủy diệt) nói đến thì robot sát thủ sẽ xuất hiện vào năm 2029. Nhưng thực tế việc chế tạo robot sát thủ đơn giản hơn nhiều và chúng có thể sẽ xuất hiện chỉ trong một vài năm nữa. Hãy nghĩ đến công nghệ của máy bay không người lái và tên lửa Hellfire hiện tại, nhưng với sự điều khiển của một chương trình máy tính thay vì được điều khiển bởi con người. Giờ đây, công nghệ như thế là hoàn toàn có thể được phát triển một cách nhanh chóng.
2. Một cuộc chạy đua vũ khí sẽ diễn ra
Một khi người ta chế tạo được một robot sát thủ, sẽ có một cuộc chạy đua vũ khí nhằm cải thiện và nâng cấp các con robot. Và kết thúc của một cuộc chạy đua vũ khí như vậy chính xác là loại công nghệ hủy diệt đáng sợ mà bạn thấy trong “Terminator” sẽ xuất hiện. Định luật Moore dự đoán rằng số lượng các chip máy tính sẽ tăng gấp đôi mỗi hai năm. Và có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân tương tự đối với các robot sát thủ.
3. Các robot sát thủ sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở
Robot sát thủ sẽ ra đời với giá thành ngày càng rẻ, giống như tốc độ giảm giá của những chiếc máy bay không người lái trong vài năm trở lại đây.
Nếu bạn sở hữu một chiếc máy bay lên thẳng, thêm một điện thoại thông minh và một khẩu súng hay một quả bom nhỏ. Sau đó, có ai đó viết thêm cho bạn phần mềm AI (một loại phần mềm trí tuệ nhân tạo dùng cho máy móc) là bạn đã có trong tay một loại robot sát thủ. Quân đội chắc chắn sẽ yêu thích công nghệ này bởi những robot sát thủ không cần ngủ hay nghỉ ngơi, cũng không cần đào tạo lâu dài và tốn kém, hoặc di tản khỏi chiến trường khi bị hư hỏng.
Tuy nhiên, khi hệ thống quân đội phải tự bảo vệ mình và chống lại các robot sát thủ, họ có thể sẽ phải nghĩ lại.
4. Robot sát thủ sẽ giết chết nhiều dân thường
Theo The Intercept, trong 5 tháng tiến hành chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Taliban và al Qaeda tại Hindu Kush vào năm 2011, thì “cứ 9 trong số 10 người” chết trong cuộc tấn công bởi các máy bay không người lái không phải là mục tiêu trực tiếp của Mỹ. Điều này đẩy người dân đứng trên bờ vực nguy hiểm giữa sự sống và cái chết. Bởi hiện tại, chương trình AI không đề cập đến việc nhận thức tình huống, hoặc ra quyết định của phi công điều khiến máy bay không người lái.
Các số liệu về hệ thống máy bay không người lái tự động hoàn toàn thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo thời gian, các robot này sẽ được phát triển sánh ngang nếu không muốn nói là vượt quá cả khả năng của con người. Và những tranh luận cũng bắt đầu. Chẳng hạn như, điều gì xảy ra nếu robot sát thủ rơi vào tay kẻ xấu, kể cả những người không ngại ngần sử dụng chúng để chống lại thường dân. Đó sẽ là vũ khí hoàn hảo cho khủng bố. Robot sát thủ sẽ khiến chiến tranh dễ dàng xảy ra.
5. Sẽ rất khó để kiếm sát robot sát thủ
Trong tương lai, những phiên bản cập nhật phần mềm đơn giản cũng có thể chuyển những hệ thống không tự động hoặc không gây chết người thành những vũ khí tự động gây chết người. Do vậy việc kiểm soát robot sát thủ sẽ là rất khó khăn.
Chúng ta đang cho ra đời những công nghệ có thể được sử dụng cho robot sát thủ. Những công nghệ này cũng tương tự như công nghệ của các chiếc xe ô tô tự động.
Một lá thư mở kêu gọi việc ban hành một lệnh cấm robot sát thủ đã được đưa ra vào tháng 7/2015. Lá thư có chữ ký của các nhà nghiên cứu hàng đầu về AI và robot, các CEO của Google’s DeepMind, AI Research Lab của Facebook, Viện Allen về AI, cũng như hàng ngàn người trên thế giới.
Trong tháng 11, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về các loại vũ khí thông thường sẽ tái họp tại Geneva để quyết định xem có nên tiếp tục xem xét vấn đề này hay không cũng như liệu có nên hướng tới việc ban hành lệnh cấm đối với robot sát thủ hay không?
Theo Khám Phá