Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 500.000 căn nhà ống, trong đó có khoảng 120.000 nhà kết hợp với sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Báo Tiền Phong đưa tin, chiều ngày 5/4, ông Duy Hoàng Dương, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua giám sát, tính từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra hơn 2.500 vụ cháy, trong đó, đa số các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân do chập điện (khoảng 60 – 65%). Thành phố cũng có khoảng 500.000 căn nhà ống, trong đó có khoảng 120.000 nhà kết hợp với sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Phó công an quận Đống Đa, đại tá Lê Văn Hiến đánh giá, những ngôi nhà bị cháy gây thiệt hại nặng điển hình là kiểu nhà dân riêng lẻ xây dạng ống có mặt tiền hẹp, sâu vào trong và đặc biệt là không có lối thoát hiểm. Ở Hà Nội, có rất nhiều nhà mặt phố, mặt ngõ đã được xây dựng từ lâu, giờ người dân muốn chuyển đổi mục đích thành cửa hàng kinh doanh. Do giá đất đắt đỏ, diện tích hẹp, người dân tận dụng mọi không gian để chứa đồ, hàng hóa.
Mật độ dân số cao, chưa có quy hoạch hợp lý nên các nhà thường xây sát nhau, chỉ có một cầu thang và một lối thoát cửa chính. “Việc mở lối thoát nạn sang nhà hàng xóm rất khó vì lo ngại vấn đề an ninh. Nếu lắp thêm cầu thang bên ngoài thì phải xin cấp phép, nhiều người lo phiền hà, lâu dần không ai còn quan tâm đến vấn đề thoát hiểm”, ông Hiến nói.
Theo một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện pháp luật không có quy định phải thiết kế phòng cháy chữa cháy, lối thoát nạn đối với công trình nhà ở riêng lẻ.
“Khu phố lâu đời mỗi nhà xây dựng một kiểu, nhà 5 tầng liền kề nhà một tầng, diện tích thường trong tầm 30 – 50m2, kể cả có lối thoát hiểm tầng tum thì khi xảy ra cháy người dân cũng không thể nhảy xuống được. Nếu yêu cầu hộ dân lắp thêm cầu thang bên ngoài hay lắp hệ thống phòng cháy chữa cháy thì cũng không khả thi”, cán bộ thanh tra nói.
Theo Nghị định 136/2020, những ngôi nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh bắt buộc phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan với khu vực sinh sống. UBND cấp phường có trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu các hộ dân thực hiện. Tuy nhiên, dù duy định này có hiệu lực từ tháng 1/2021, nhưng thực tế vẫn chưa nhiều nơi triển khai.
Để tránh thương vong từ các vụ cháy ở nhà ống, đại tá Lê Văn Hiến khuyến cáo người dân mở lối thoát hiểm trong căn nhà, có thể là tầng tum, ban công, hoặc cửa thoát sang nhà hàng xóm…
Ngoài ra, mỗi hộ dân cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, bếp đun. Trường hợp xảy ra hỏa hoạn, mọi người dùng mặt nạ chống độc, khăn ướt bịt mũi chạy theo lối thoát hiểm gần nhất.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng để khắc phục hạn chế của nhà ống, các gia đình cần thiết kế nhà có giếng trời, giúp thoáng khí, mở thêm lối thoát hiểm ra ban công các tầng. Trường hợp ban công có lưới sắt thì cần làm cửa ra vào. Những hộ dân gần nhau có thể thỏa thuận tạo mặt bằng trên sân thượng để làm khoảng trống thoát hiểm.
Về giải pháp lâu dài, cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng cần quy hoạch lại khu dân cư, giãn mật độ dân số, quy định xây nhà đồng dạng, diện tích đủ lớn, mỗi tầng đều có ban công.
Yên Yên (t/h)