Tinh Hoa

Hết tiền, phiến quân IS quyết định lên mạng “dọn nhà đỡ chật”

Nguồn thu đáng kể của IS đến từ việc đào và buôn bán online những món cổ vật từ Iraq và Syria.

 

Ông Amr Al Azm nhận được một tin nhắn Whatsapp. Đó là hình ảnh một chiếc bình cổ thời Lưỡng Hà có giá 250.000 USD, một phần của bộ đồ cổ có giá trị cao. Amr Al Azm đã nhắn lại rằng mình quan tâm tới món đồ và tin nhắn từ một tài khoản khác cho biết chiếc bình có thể được bán bằng cách buôn lậu qua Lebanon.



Thực ra, Al Azm, giáo sư nhân chủng học ở Ohio (Mỹ), chỉ giả vờ mình là một người sưu tập hoặc một tay buôn đồ cổ. Nhận mình là một thám tử, ông mong muốn bảo vệ những món đồ quý hiếm nhất và dễ bị phá hỏng của loài người bằng cách theo dõi tình hình buôn bán cổ vật của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq và Syria.



Đầu năm nay, cả thế giới đã bị sốc khi IS công bố các video quay lại cảnh những người đàn ông Hồi giáo đang đập nát nhiều công trình nghệ thuật cổ đại bằng búa tạ và máy khoan.



Các cuộc công kích do Mỹ dẫn đầu, nhằm vào nhà máy lọc dầu và tàu chở dầu của IS đã khiến doanh thu bán dầu hàng ngày của chúng giảm tới 2/3. Doanh thu trung bình mỗi ngày từ dầu mỏ của ISIS lên tới 1 triệu đô. Vì vậy IS đã quay sang bán các cổ vật qua eBay, Facebook và Whatsapp để kiếm tiền.

Nhà nước hồi giáo tự xưng IS đang cần thêm nguồn thu từ việc buôn bán cổ vật.

Thủ lĩnh nhóm Hồi giáo tự xưng hiện là tay chơi đang lên trong thị trường đồ cổ thế giới trị giá 3 tỷ USD. Dù muốn hay không thì sự thật là người mua đang giúp những kẻ cực đoan làm đầy kho bạc.



Louise Shelley, tác giả cuốn sách “Các chướng ngại vật bẩn: Tham nhũng, Tội phạm và Khủng bố”, cho biết “IS hoạt động như một doanh nghiệp tội phạm linh hoạt và có đầu óc của những người kinh doanh.”



Đào bới cổ vật



Cách thức gây quỹ của IS đã phát triển nhanh chóng, từ việc thu thuế 20% của thợ đào và tay buôn hoạt động trên lãnh thổ mà chúng nắm giữ, cho đến bây giờ chúng lại tự đào và buôn bán cổ vật.



Al Azm đang giảng dạy tại Đại học Shawnee và là chủ tịch của Hiệp hội Bảo vệ Di sản Syria. Ông cho biết trong vài tháng gần đây, nhóm cực đoan đã thành lập một chi nhánh nhà nước chuyên quản lý việc đánh cắp và buôn bán khảo cổ học ở thành phố Syria, Manbij gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng đưa đến những chuyến xe tải, xe ủi, thuê nhân công riêng và trả tiền cho họ.”



Michael Danti, một cố vấn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề ăn trộm cổ vật ở Irag và Syria nói IS đóng vai trò như nhà cung cấp trong một chuỗi phức tạp có liên quan tới ít nhất 5 đầu mối môi giới và buôn bán khác.

Bản đồ thu thập cổ vật trên lãnh thổ Syria và Iraq.



Các phần tử cực đoan có mối quan hệ chặt chẽ với mạng lưới tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ tại các thành phố biên giới Gaziantep và Akcakale. Một khi các cổ vật được buôn lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ, người môi giới sẽ trả tiền để bán lại cho người khác. Những người mua đồ cổ sau đó sẽ phải đợi tới 15 năm sau, khi mà không bị pháp luật chú ý nữa, để bán tiếp.



Không phải tất cả đều thật sự cổ



Các nhà khảo cổ học ước tính số lượng cổ vật có giá trị tới 300 triệu USD đang đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Joran qua các giao dịch của IS.



Danti, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Boston (Mỹ) cho biết số lượng hình ảnh cổ vật với những dòng chữ tượng hình được tải lên mạng ngày càng nhiều. Tuy nhiên một vài trong số đó là giả, bao gồm cả những đồng tiền Greco-Roman do một nhóm tội phạm người Romania sản xuất



Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ báo cáo rằng từ năm 2012 đến 2013 khi IS đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, số lượng đồ cổ nhập khẩu vào Mỹ từ Iraq tăng tới 672% và từ Syria tăng 133%.



James McAndrew, một nhân viên đã làm việc 27 năm cho Hải quan và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, nói mặc dù vậy, ông không nghĩ rằng những cổ vật bị IS đánh cắp sẽ tuồn vào New York, London và Geneva trong vòng một 1 thập kỷ nữa.



Các tay buôn phạm pháp



“Các tay buôn lậu cất giấu cổ vật trong nhiều năm để che mắt cảnh sát rồi mới bán chúng đi với giá tiền vô cùng lớn. Những nhà đấu giá lớn như Sotheby và Christie có đủ nhận thức để tránh mua phải các cổ vật có xuất xứ từ Iraq và Syria.”



“Tuy nhiên quản lý việc mua bán cá nhân mới khó kiểm soát. Tôi tin chắc rằng cổ vật ở Iraq và Syria đang được bán cho những người dân giàu có ở Saudi, các tiểu vương quốc Ả Rập và Iran.”



Một mối lo khác là số cổ vật này có thể được đưa đến cảng tự do miễn thuế tại các sân bay quốc tế mà không cần đi qua cửa hải quan.



Daniel Brazier, Bộ An ninh nội địa, cho biết “cách tốt nhất để ngăn điều này lại cố gắng chặn các cổ vật trước khi chúng xuất hiện tại cảng tự do bởi gần như không thể xin được lệnh khám cảng tự do.”



Những nhà bảo vệ nghệ thuật



Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết cấm bán đồ cổ có xuất xứ từ Syria và Iraq. Ngoài ra, vào đầu tháng 5/2015, Hạ viện Mỹ thông qua một đạo luật cấm bán đồ cổ do cướp phá từ Syria

Trước tình trạng cổ vật đang bị phá và buôn bán bất hợp pháp, cần có những biện pháp cứng rắn hơn.

Tình hình này đang đòi hỏi phải có các hành động quân sự hoặc ít nhất là sự can thiệp của lực lượng bảo vệ quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý Paolo Gentiloni đã hứa sẽ thiết lập một đội quân hòa bình để bảo vệ các khu di sản khi xung đột hay thiên tai xảy ra. Irina Bokova, tổng giám đốc của UNESCO, đã gọi đây là “những vùng văn hóa được bảo vệ.”



Các chuyên gia như Danti (Đại học Boston) nói sẽ không có cách nào ngăn chặn tình trạng này ngoại trừ can thiệp trực tiếp. Ít nhất, vùng biên giới cần được bảo vệ để tránh việc thất thoát cổ vật.



“Nếu chúng ta giữ cổ vật trong Syria và Iraq, IS sẽ không thể kiếm được tiền và sẽ dễ dàng trả lại cổ vật vào chỗ cũ khi xung đột kết thúc.”



Cướp bóc như phát-xít



Cho đến lúc đó, các chuyên gia đang kiểm kê số lượng sản vật văn hóa cần được bảo vệ và cho vào “sách đỏ”. Các “sách đỏ” do Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế và cơ sở dữ liệu của Artclaim thu thập và được quản lý bởi Trung tâm Phục hồi Nghệ thuật có trụ sở ở London.



Ngày 04/06, Deborah Lehr, giám đốc trung tâm Liên hiệp Cổ vật, phát biểu rằng chiến dịch “Các nhà khảo cổ xuyên biên giới” (Archaeologists Without Borders) sẽ bắt đầu vào tháng 9 để tập trung toàn bộ nỗ lực.



Christopher Marinello, giám đốc điều hành của Phục hồi Nghệ thuật đã dành hơn 20 năm để phục hồi những tác phẩm nghệ thuật bị phát xít phá hoại và tin rằng chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này.



Marinello nói, “Bất kỳ các tổ chức khủng bố hay nhà nước bất hảo nào, kể cả là phát xít, cũng muốn kiếm được tiền nhanh chóng. Điểm đến cuối cùng của các kỷ vật là phương Tây và người dân ở đây thì đã có ý thức hơn nhiều so với thế kỷ 20.”



Tuy nhiên những người khác lại bi quan hơn. Al Azm cho biết việc tái lập các bộ luật đóng vai trò quan trọng trong việc chống tình trạng khai thác di sản văn hóa nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho vấn đề này.



Ông nói, “Vai trò của ngành buôn bán bất hợp pháp ở Iraq và Syria cũng giống như là Hollywood ở Los Angeles vậy. Nếu ở Los Angeles, mọi người đều là diễn viên đầy tham vọng thì ở Syria và Iraq, mỗi người lại là một tay buôn hàng bất hợp pháp. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi chiến tranh kết thúc.”

Trong khi các biện pháp quân sự nhằm tiêu diện phiên quân hồi giáo ISIS chưa mang lại hiệu quả, người ta bắt đầu nhìn ra những mảng tối về mặt văn hóa do chúng gây ra. Và hiện tại những cổ vật, những hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa đang ngày ngày bị đập phá, buôn bán và chà đạp để phục vụ lợi ích của Nhà nước hồi giáo tự xưng IS.

Tham khảo BloomBerg

Cài đặt trực tiếp file apk từ máy tính lên điện thoại chỉ với 1 thao tác

Cài đặt trực tiếp file apk từ máy tính lên điện thoại chỉ với 1 thao tác

Theo GenK