TTO – Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM đã ví von như vậy khi nói về tình trạng án oan sai trong tố tụng hình sự.
Ông Nghĩa cho rằng hệ thống tố tụng của Việt Nam hiện nay đã không tự phát hiện oan sai. “Giống như lỗi của hệ thống báo cháy, tuy nhiên có điểm khác là khi bị cháy thì không phải cơ quan tiến hành tố tụng, mà người bị tạm giữ, tạm giam bị cháy” – ông Trương Trọng Nghĩa chua xót. Oan sai là do hiệu lực của hệ thống kiểm tra chéo không cao “Chính vì vậy có câu hỏi là phải chăng những vụ việc phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại. Nhiều luật sư phản ảnh các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình, tương tự như các vụ đã phát hiện diễn ra ở nhiều mức độ” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề. Từ thực tế công việc của một luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định nguyên nhân oan sai nhiều là do hệ thống kiểm tra chéo giữa ba cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao. “Có tình trạng nể nang, du di nhau, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”; tình trạng “3 bộ đồng tình…” bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm sát, việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu” – ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cũng khẳng định một nguyên nhân nữa là do tình trạng hạn chế quyền bào chữa, cản trở người bào chữa ở nhiều mức độ, diễn ra khá thường xuyên trên nhiều tỉnh thành. Nhiều vụ bị can, bị cáo nghèo nên luật sư chỉ thu phí tượng trưng hoặc miễn phí, đã vậy lại còn bị hạn chế, cản trở, thậm chí bị nhũng nhiễu, làm nhiều luật sư mất tinh thần. Do đó tỉ lệ tham gia bào chữa hình sự đã thấp do số luật sư ít, nay lại càng thấp hơn. “Tôi không có ý cho rằng bức tranh trên đây là chủ đạo, chiếm đa số, nhưng cũng không quá ít để chúng ta có thể xem nhẹ hay bỏ qua vì tác hại của oan sai là rất lớn và nhiều mặt” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói. Thừa nhận án oan là việc quá khó Đại biểu Huỳnh Nghĩa – trưởng đoàn ĐB Quốc hội Đà Nẵng, người từng là chánh án TAND TP Đà Nẵng – đã thẳng thắn chỉ ra điều này. Ông cho rằng: “Việc phải thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời”. Ông Nghĩa phân tích trong ba năm, các ngành tố tụng trong cả nước đã làm oan 71 người. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Tâm lý người dân bị oan vốn đã rất nặng nề, nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn. Theo quy định của Luật bồi thường nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải, ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày nhưng qua giám sát có vụ kéo dài đến chín năm vẫn chưa giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định. “Vậy nguyên nhân từ đâu? Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã gây ra án oan nhưng chậm giải quyết bồi thường như thế nào? Đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp cụ thể để xử lý. Đồng thời, Quốc hội sớm sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và các luật có liên quan, đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp, lê thê như vừa qua” – ông Nghĩa đề nghị.
VIỄN SỰ
|
Theo Tuổi Trẻ