Nguồn tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ngày 30.7 cho biết: Nhà nghiên cứu Phạm Văn Chấy đã cho xuất bản cuốn sách “Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy”.
Cuốn sách đã phần nào hé lộ “công nghệ” xây Thành nhà Hồ (ảnh). Theo nhà nghiên cứu Phạm Văn Chấy, để lắp ghép được vòm cuốn cổng thành, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác ra những phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình tứ giác. Để đảm bảo việc chế tác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, nhà Hồ cho dùng phương pháp “mực hệt” nghĩa là dùng giấy hoặc cót cắt thành mẫu các loại phiến đá nói trên đem ghép vào nhau thành hình dáng cổng thành, thấy đạt rồi mới chế tác các phiến đá y hệt theo mẫu. Sau đó, để lắp ráp những khối đá vào cổng thành, nhà Hồ cho dùng đất, cát, sỏi đắp thành hình dáng cái lòng cổng thành rồi xếp đá lên trên cốt. Khi ghép đá xong thì moi đất, cát ra… Trải qua 600 năm lịch sử, tòa thành đá có lối kiến trúc độc đáo vẫn đứng vững chãi. Nhờ đó, tháng 6.2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc còn có trên 100 di tích với 9 di tích lịch sử cấp quốc gia, hơn 30 di tích cấp tỉnh. Nghè Vẹt, Phủ Trịnh, đền thờ Thái tể Hoàng Đình Ái (xã Vĩnh Hùng), di chỉ văn hóa Đa Bút thời kỳ đồ đá mới (xã Vĩnh Tân), đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thành)… là những di tích đặc biệt, ghi dấu các thời khắc lịch sử quan trọng trong quá khứ. Ngày nay, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lộc luôn quan tâm tôn tạo, gìn giữ, bảo vệ các di tích; mặt khác tập trung phát huy giá trị của những di sản, di tích đặc biệt này để phát triển kinh tế du lịch. Trong 5 năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã đón trên 231.000 lượt du khách trong nước và khách quốc tế, nguồn thu từ kinh tế du lịch đạt 83,5 tỉ đồng. |
Theo Lao Động