Bang Unity, Nam Sudan là nơi cư ngụ của vô vàn rắn độc, rắn hổ mang. Không chỉ vậy, những con cá sấu đói hiếu chiến và hà mã hung hãn cũng hiện diện ở khắp nơi. Tuy nhiên, nó vẫn chưa là gì khi người dân nơi đây đang phải chạy trốn thứ còn kinh hoàng hơn nhiều.
Sau khi lội qua đầm lầy và một con sông để vào hòn đảo lánh nạn của dân làng, tôi được trò chuyện với cô Nyakier Gatluak, một cư dân chạy trốn. Cô kể rằng: “Khi quân lính đến, chúng tôi cùng nhau lẩn trốn bằng cách dầm mình dưới đầm lầy, chỉ mỗi cái mũi là thò lên mặt nước”. Cô và bố mẹ mình cùng canh chừng lũ trẻ, giữ cho chúng im lặng để cả nhà có thể an toàn thoát thân bên dưới dòng nước, khuất sau rặng bông lau.
Tôi hỏi cô về những con cá sấu dưới lòng sông, Nyakier mặc kệ: “Ngay cả khi chết dưới nước, thì chết vì rắn rết, cá sấu còn hơn là chết trong tay bọn lính”.
Một cuộc nội chiến tàn bạo đang diễn ra tại đất nước non trẻ này, kéo theo những hậu quả khôn lường. Lực lượng chính phủ đốt làng mạc, giết người dân tay không tấc sắt, thiến các bé trai, hiếp dâm phụ nữ và trẻ em cũng như cướp phá bệnh viện. Đó là chuyện thường ngày. Ở chiều ngược lại, nhóm phiến quân cũng không kém. Đáng lo ngại hơn là tình trạng tình nguyện viên tham gia cứu trợ và các nhà báo cũng bị tấn công. Thậm chí nhóm phiến quân vũ trạng đã đột nhập vào một trại Công giáo và hãm hiếp nữ tu sĩ 67 tuổi người Mỹ.
Hơn 2 triệu người dân của Nam Sudan đã buộc phải bỏ nhà và trốn vào những đầm lầy bất chấp nguy hiểm rình rập từ động vật hoang dã. Các quan chức Liên Hợp Quốc ước tính, ít nhất 50.000 người đã thiệt mạng trong vòng 2 năm qua tại đất nước này.
Dẫu những con số trên chưa được xác nhận, nhưng nó giúp chúng ta hình dung được tình cảnh vô số dân thường bị sát hại trong cuộc nội chiến tại Nam Sudan, tương đương với cuộc chiến đang xảy ra tại Syria. Thậm chí tình hình tại đây còn có thể tệ hại hơn bởi nạn đói đang gia tăng.
Tuy nhiên, những gì diễn ra tại đây đã không nhận được sự quan tâm cần thiết từ truyền thông và cộng đồng quốc tế. Theo một báo cáo của Tyndall, tổ chức giám sát tin tức, cuộc nội chiến tại Nam Sudan không hề được Hoa Kỳ phủ sóng trong chương trình thời sự hàng ngày, trong suốt năm 2015.
Nyakier là người đầu tiên tôi gặp khi tới hòn đảo này. Cô đã buộc phải trốn khỏi làng vào tháng 5/2015, sau khi nơi đó bị quân chính phủ tấn công. Họ đã bắn chết phụ nữ, trẻ em, và hãm hiếp em gái cô. Nyakier may mắn hơn khi trốn thoát và tìm được một nơi để ẩn náu trên hòn đảo này. Dĩ nhiên, tôi không thể cho biết tên và vị trí cụ thể vì lý do an toàn cho cô và những người tại đây.
Banyieny, đứa con trai 3 tuổi của cô đã bị ốm sau khi ngâm mình dưới nước và chết không lâu sau đó. Hiện tại, đứa con trai 8 tháng tuổi của cô cũng đang gặp nguy hiểm bởi chứng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Dẫu cô vẫn đang cho bé bú sữa mẹ nhưng cũng chẳng còn bao nhiêu khi mà chính bản thân cô cũng đang chết đói. Hôm đấy chúng tôi gặp nhau khoảng 3 giờ chiều, và cô chưa có gì trong bụng từ sáng tới lúc đó.
Bạn hãy thử làm phép nhân số thành viên gia đình này với con số hàng triệu, thì sẽ ra bức tranh khái quát về thảm họa mà Nam Sudan (1 trong những quốc gia nghèo nhất thế giới) đang phải đối mặt. Kể cả trước khi cuộc nội chiến bắt đầu, 2 năm về trước, một bé gái ra đời sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn lên và chết khi sinh con hơn là học xong trung học.
Quay trở lại năm 2011, Hoa Kỳ đã giúp Nam Sudan giành được độc lập, và là quốc gia ‘chống lưng’ quan trọng nhất của đất nước này. Tôi hy vọng Tổng thống Obama, người từng rất quan tâm tới vấn đề tại Sudan và Nam Sudan, sẽ thực thi mọi hành động ngoại giao cần thiết, cũng như gia tăng hỗ trợ tài chính để thỏa thuận hòa bình được kí kết và thực thi tại vùng lãnh thổ này.
Tất cả các bên tham gia đều đã gây ra những tội ác không thể dung thứ, và thật đáng buồn khi chiều hướng của cuộc chiến này tập trung vào chủ nghĩa dân tộc.
Tại một thị trấn nhỏ, tôi gặp Gaiy, một cậu bé đến từ bộ lạc Nuer, đang chơi đùa với những khẩu súng đất sét, trong số này có cả khẩu súng máy kê trên giá đỡ với nòng đã nạp đạn.
Với sự sáng tạo và thành thục này, tôi nghĩ rằng sau này chắc hẳn cậu bé muốn làm một kỹ sư tài ba, nhưng cậu lại ước mơ điều khác. “Cháu muốn làm một người lính”, cậu giải thích thêm: “Cháu muốn bắn người Dinka”, tên một bộ lạc khác với nhiều thành viên chi phối trong bộ máy chính phủ.
Tôi hỏi tại sao, và cậu trả lời thẳng thừng: “Bởi vì họ đang tới giết chúng cháu”.
Những gì đang diễn ra tại đây là một cuộc thanh lọc sắc tộc, và nó đang tiến tới gần ranh giới với sự diệt chủng. ‘Thần chết’ luôn rình rập lấy đi mạng người nhưng hiểm nguy phần lớn không dành cho những chiến binh mà dành cho phụ nữ và trẻ em khi họ phải chịu đói khát và bệnh tật hoành hành.
Tại một khu vực hẻo lánh, tôi có cơ hội gặp một người phụ nữ tên Yapuot Ninrew. Trước khi cuộc nội chiến bắt đầu, cô sở hữu 60 con gia súc và sống một cuộc sống tươm tất. Và rồi chỉ vài tháng trước đây, khi quân đội chính phủ tấn công, họ đã bắt cô trói tay sau lưng và treo cổ lên thanh xà ngang, dù khi đó cô đã mang thai được 5 tháng.
Được một lúc, đám lính đã chán giễu cợt, họ cắt dây thả cô xuống, rồi đốt nhà, cướp hết quần áo, gia súc và tài sản của cô. Chưa dừng lại, họ còn bắt cóc hai người em gái của cô làm nô lệ tình dục, hai người sau này may mắn trốn thoát.
Sau đó, Yapuot bỏ trốn vào vùng đầm lầy với 5 đứa con, họ dầm mình trong nước cả ngày, và chỉ dám lên bờ vào ban đêm để kiếm chỗ ngủ. Cô buồn bã kể, 2 đứa con của cô, một đứa 8 tuổi và một nhóc 4 tuổi đã chết đuối trong đầm lầy khi trốn quân chính phủ (những dân làng ở đây đã xác nhận thông tin này).
Những tội ác tương tự đang diễn ra ở vùng hẻo lánh, nơi không ai bên ngoài quốc gia này có thể chứng kiến, và họ cũng không được thế giới bảo vệ. Nạn nhân nơi này không hề có tiếng nói trên khắp hành tinh – đây chính là lý do mà sự giết chóc vẫn tiếp diễn.
Một báo cáo mới đây từ Liên Hợp Quốc cho thấy quân lính trực thuộc chính phủ tại Nam Sudan đã được phép hiếp dâm phụ nữ để thay thế các khoản lương bổng, và sự lạm dụng này có thể cấu thành tội ác chống lại nhân loại.
Theo ông Zeid Ra’ad al-Hussein – Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc: “Đây là một trong những trường hợp khủng hoảng nhân quyền đáng sợ nhất trên thế giới, nạn hiếp dâm được sử dụng như một công cụ khủng bố và vũ khí chiến tranh. Tuy nhiên, nó đã không nằm trong tầm ngắm của cộng đồng quốc tế”.
Các nhóm cứu trợ đang làm việc ‘anh hùng’ hơn bao giờ hết, trong một môi trường vô vàn khó khăn với cái giá phải trả quá đắt: Cứ mỗi 2 tuần lại có 1 tình nguyện viên hoạt động nhân quyền bị giết chết ở đây. Liên Hợp Quốc cho biết sự hiện diện của các nhóm cứu trợ tại Nam Sudan chỉ được hỗ trợ được 3%. Bởi vậy, trong khi nhu cầu đang leo thang, một số nhóm cứu trợ dự kiến sẽ rời khỏi quốc gia này trong năm nay.
Trên lý thuyết không có chính sách nào là lý tưởng, nhưng một lệnh cấm vận vũ khí và phong tỏa tài sản của những cá nhân quan trọng ở cả 2 phía tham gia nội chiến ít nhất sẽ khiến các lãnh đạo này phải trả một cái giá nhất định cho sự ngông cuồng của họ thay vì kiếm được lợi nhuận từ nó.
Theo John Prendergast – đến từ dự án “Enough”, một tổ chức chống diệt chủng: “Hãy thu hồi tài sản của họ”, “gia tăng áp lực lên tài chính của nhóm lãnh đạo hàng đầu của cả 2 bên sẽ tác động đến những toan tính của họ nhiều hơn bất cứ điều gì khác”.
Mặt khác, cộng đồng quốc tế cũng có thể gia tăng áp lực để thúc đẩy chính phủ và phiến quân nổi dậy thực thi một hiệp ước hòa bình. Điều này sẽ vô cùng ý nghĩa và thiết thực nếu công chúng Hoa Kỳ kêu gọi ứng viên bầu cử phải làm nhiều hơn để giải quyết vấn nạn này. Cựu thượng nghị sỹ Paul Simon từng tuyên bố nếu mỗi thành viên của Quốc Hội đều nhận được thư từ 100 người phản đối diệt chủng tại Rwanda, như vậy đã đủ để thúc đẩy Nhà Trắng hành động.
Ông Obama, khi còn là một thượng nghị sỹ từng thẳng thắn kêu gọi Tổng thống khi đó là George W.Bush hành động nhiều hơn để giải quyết vấn nạn diệt chủng tại Darfur. Ông Obama luôn dành nhiều sự quan tâm để giải quyết những khủng hoảng liên quan đến thảm sát hàng loạt (ông đã làm khá tốt để giảm thiểu hậu quả của vụ tàn sát tại Burundi và cũng đã thực thi tương tự trong quá trình Nam Sudan giành độc lập). Tuy nhiên với thực trạng hiện tại, chính quyền của ông hoàn toàn có thể và nên làm được nhiều hơn thế nữa.
Dẫu biết là chúng ta không thể ngăn chặn mọi tội ác và bản thân tôi cũng không chắc liệu chúng ta có thể ngăn chặn những gì đang xảy ra tại Nam Sudan, nhưng khi dân chúng nơi đây đang bị chia rẽ chỉ bởi sắc tộc và bị giết, hãm hiếp, cắt xén và bỏ đói bởi một nhà nước mà chúng ta từng giúp đỡ để thiết lập (một nhà nước mà với thường dân còn độc ác hơn cả cá sấu). Tôi tin là chúng ta cùng nên cố gắng hơn đôi chút để giải quyết những gì đang xảy ra tại đây.
Bài viết của Nicholas Kristof
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tinhhoa.net
Bình An, theo New York Times