Tinh Hoa

Hành trình tới thăm ngôi làng lạnh lẽo nhất hành tinh ở Nga

Một chút lạnh của mùa đông tại Việt Nam đã khiến bạn khó chịu, nhưng ở một số nơi, có những người đang phải chống chọi với cái lạnh dường như không tưởng. Nơi đó chính là ngôi làng nhỏ Oymyakon ở Nga, địa danh được mệnh danh là nơi lạnh nhất mà con người từng sinh sống.

Nhiệt độ trung bình trong mùa đông tại đây thường rơi vào khoảng -50 độ C và nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận là -71 độ C. Một nhiếp ảnh gIa mang tên Amos Chapple vừa có chuyến thăm vùng đất đặc biệt này. Sau thời gian 5 tuần lưu lại Oymyakon, Chapple đã ghi lại một số hình ảnh về cuộc sống hàng ngày của những cư dân tại khu vực khắc nghiệt nhất hành tinh. Thông qua chuyến hành trình của Chapple, chúng ta mới cảm nhận được rằng sức chịu đựng của con người thật kỳ diệu.
Amos Chapple bắt đầu chuyến hành trình của mình tại Yakutsk, thành phố nằm ở miền Viễn Đông nước Nga. Đây là thủ phủ của nước Cộng hòa Sakha và được xem là thủ đô lạnh nhất thế giới.
Dân số ở đây rơi vào khoảng 300.000 người và trong suốt mùa đông, nhiệt độ trung bình sẽ là -34 độ C.
Tuy nhiên, Chapple chia sẻ rằng cư dân tại thành phố vẫn rất tuyệt vời: “Họ thân thiện, hòa đồng và bình dị với những bộ quần áo rất đẹp”.
Cư dân đã đương đầu với cái lạnh như thế nào? Chapple cho biết: “Chai Po-russki, là tên một loại trà tại Nga, nhưng đối với cư dân tại đây, nó như một loại volka giúp giữ ấm”.
Chapple ở tạm trong một ngôi nhà nghỉ nhỏ tại Yakutsk trước khi làm quen với người dân địa phương và được mời chuyển sang ở nhà của họ. “Tôi đã cố gắng ăn những bữa cơm ăn của họ như một lời cảm ơn vì đã cho ở nhờ. Nhưng thật khó để nuốt trôi một đĩa nachos đến từ vùng Siberia“, Chapple cho biết.
Chapple nhận định nguồn thu từ việc kinh doanh kim cương đã cung cấp cho Yakutsk một nền kinh tế “đa dạng và khỏe mạnh”.
Những tàn dư từ thời chiến tranh lạnh không còn biểu hiện rõ rệt tại vùng đất này. Chapple cảm thấy “sắc tộc Yakutsk dường như tách khỏi sắc tộc Nga và họ không còn mang nỗi bi thương từ một triều đại đã sụp đổ trong quá khứ”.
Yakutsk là cửa ngõ để tiến vào làng Oymyakon, khu vực vốn được mệnh danh là nơi lạnh nhất hành tinh. Phải mất 2 ngày băng qua những con đường nhỏ, cô lập và cằn cỗi mới có thể tới được ngôi làng này. Chapple đã bị mắc kẹt ở giữa đường và phải ở lại đây 2 ngày.
Vì lái xe trong điều kiện nhiệt độ rất thấp nên động cơ phải được hoạt động liên tục, do đó các trạm xăng dọc đường cũng mở cửa suốt ngày đêm. “Nhân công tại các trạm xăng cô lập này làm việc trong 2 tuần, sau đó nghỉ 2 tuần“, Chapple cho biết.
Trong 2 ngày mắc kẹt ở giữa đường, Chapple trú lại trong một căn nhà nghỉ mang tên “Cafe Cuba” nằm trên một khu đất hoang dọc theo con đường. Anh đã sống sót nhờ vào một bát súp nóng và một cốc trà nghi ngút khói trong khi chờ một chiếc xe khác để đi nhờ tới cuối con đường.
“Người cho tôi đi nhờ quãng đường còn lại đã hỏi rất nhiều câu với sự hiếu khách và cả lời đe dọa về sự khắc nghiệt của nơi đây. Tôi và gia đình họ dừng lại ăn mì ống trước khi chính thức đặt chân tới Oymyakon”. Ảnh bên dưới là tượng đài đặt trước lối vào ngôi làng với nhiệt kế chỉ -71,2 độ C. Dòng chữ tiếng Nga nghĩa là “Oymyakon – Vùng đất cực lạnh giá”.
Vào mùa đông, nhiệt độ trung bùng tại thị trấn là -50 độ C. “Oymyakon” trong tiếng Siberia có nghĩa là “nước không đóng băng” và tin hay không là tùy ở bạn.
Vừa bước vào thị trấn, Chapple đã lập tức cảm nhận được cái lạnh đáng sợ ở nơi này. “Cái lạnh dường như khiến cho chân tôi bị kẹp chặt lại. Một điều ngạc nhiên khác là đôi khi nước bọt của tôi sẽ đóng băng lại và đâm thẳng vào môi của tôi”. Anh cho rằng một ngày ở trong môi trường này sẽ khiến con người ta kiệt sức thật sự.
Việc sử dụng máy ảnh cũng vô cùng khó khăn. Hơi thở sẽ tạo ra sương mù dày đặc như khói xì gà trước ống kính và do đó tôi phải nín thở mỗi khi bấm máy. Thao tác lấy nét bằng ống kính cũng trở nên vất vả hơn khi mà nhiệt độ lạnh làm mọi thứ co khít lại“, Chapple chia sẻ.
Mặt đất hoàn toàn đông lạnh và dĩ nhiên là đường ống dẫn nước tới các hộ gia đình cũng bị đóng băng. Thay vào đó, họ xách xô và lấy nước từ những con suối gần đó. Trong ảnh là hình một căn nhà vệ sinh ở ngoài trời và việc đi vệ sinh vào mùa đông cũng không phải là dễ dàng.
Khi có người mất vào mùa đông tại Oymyakon, việc chôn cất cũng trở nên khó khăn hơn. Người ta phải đốt những đống lửa lớn để làm ấm mặt đất và giúp băng tan chảy ra.
Chapple cho biết, dân làng sẽ rất hân hoan chào đón khi có người lạ đến thăm. Tuy nhiên, anh nhận thấy rằng thật khó để gặp mọi người. “Chỉ có một số người đi lại bên ngoài với đôi tay áp chặt vào mặt để giữ ấm hoặc số khác là những người đã say xỉn”.
Bởi vì mặt đất quá lạnh để có thể trồng trọt, người dân Oymyakon chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi hoặc công nhân tại các công trình. Bên dưới đây là một công trường xây dựng nhà máy sưởi cho thị trấn.
Nhiệt độ lạnh cũng ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen ăn uống của cư dân. Thực phẩm chủ yếu của họ là cá đông lạnh như cá hồi, cá hồi trắng và thạm chí là gan ngựa. Phần lớn cư dân đều nấu những món như súp thịt để sống sót qua mùa đông.
Người dân nơi đây có sự nhận thức sâu sắc về môi trường sống xung quanh và họ cũng có bề dày lịch sử lâu dài. Chapple kể lại: “Cuộc sống nơi đây diễn ra tương tự như bất cứ nơi nào khác, nhưng điểm khác biệt là đôi mắt luôn nhìn vào nhiệt kế. Nếu nhiệt độ xuống dưới – 50 độ C, mọi thứ sẽ bắt đầu ngừng lại“.
Khi mùa hè đến trên vùng đất này, nhiệt độ sẽ trở nên dễ chịu hơn. Nhiệt độ cao nhất tại đây từng được ghi nhận là khoảng 35 độ C. Tuy nhiên, những ngày tháng mùa hè cũng trôi qua rất nhanh và dường như, quanh năm vẫn là mùa đông dài vô tận.​

Theo Tinhte