“Thành công là thế nào? Có giới hạn nào cho những tham vọng và nhu cầu? Số phận có hay không? Nếu là có thì điều gì quyết định nên số phận của bạn? Liệu có cách nào thay đổi…?”, đó là những trăn trở mà anh Đào Huy Phong – Tiến sỹ Công nghệ sinh học tại Cộng hòa Pháp luôn đau đáu trong lòng cho đến khi…
Từ khi còn nhỏ, anh Đào Huy Phong đã có những suy nghĩ trăn trở về ý nghĩa cuộc đời, về sự sống và cái chết. Anh đã tìm kiếm những điều mình chưa biết trong sách vở, đã đọc không ít sách về số mệnh, bói toán nhưng những điều lý giải được quả thực không đáng bao nhiêu.
Tiếp đó, khoảng thời gian học đại học, cao học, và sau đó là bảo vệ luận án tiến sỹ ở Pháp đã cuốn anh vào guồng quay học hành, nghiên cứu khoa học, bận rộn với các đề tài trong phòng thí nghiệm.
Những thành công và vấp ngã, rồi những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống lại đưa anh về với những câu hỏi đã nhen nhúm từ thời xa xưa: “Vậy thành công là thế nào? Có giới hạn nào cho những tham vọng và nhu cầu? Cuộc sống có vẻ bất công khi thấy rằng có người rất cố gắng và có tài mà chẳng được kết quả gì nhiều, nhưng có người an nhàn thảnh thơi mà cái gì cũng có. Số phận có hay không? Nếu là có thì điều gì quyết định nên số phận của bạn? Liệu có cách nào thay đổi…?” Sau tất cả, anh đã tìm thấy câu trả lời trong tu luyện.
Khi đang lặn ngụp trong các tài liệu và kinh sách của nhiều môn phái khác nhau, một người bạn đã giới thiệu cho anh cuốn sách Chuyển Pháp Luân qua trang web www.phapluan.org của Pháp Luân Công. Anh Ph.Đào nhanh chóng đọc một mạch hết cuốn sách, đồng thời cũng tìm đọc những kinh văn mà Sư phụ Lý Hồng Chí giảng tại các nước khác từ trước đến nay.
Càng đọc anh càng thấy chấn động trong tâm, cuốn sách không chỉ lý giải hết những khúc mắc bấy lâu nay mà thực sự còn mở ra một chân trời mới, anh cảm thụ sâu sắc sự uyên thâm và vĩ đại của Đại Pháp. Kể từ đó, anh đã bước chân vào con đường tu luyện, đặt trọn niềm tin vào những gì Sư phụ dạy.
“Người tu luyện là hạnh phúc nhất”
Anh Ph.Đào chia sẻ: “Những người tu luyện có lẽ là những người thực sự hạnh phúc nhất. Người ta hiểu được các cách thức mà cuộc sống xoay vần, không còn phải lo lắng về những điều không tưởng nữa, biết được cái gì là cái họ thực sự muốn do đó tập trung tinh lực vào đó và cắt bỏ những điều phù phiếm khác. Cuộc sống như vậy trở nên bình yên hơn”.
Anh cũng hiểu ra được nhiều pháp lý khi đọc sách Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Nhờ đọc sách, anh lĩnh hội được rất nhiều điều, trong đó có những nguyên lý cho phép lý giải hoặc đánh giá các sự việc xảy ra xung quanh mình một cách chính xác và dễ dàng hơn, nhờ đó có thể xử lý các công việc nhanh chóng hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian hơn.
Giữ cương vị Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của một tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, dù công việc bận rộn và phải đối mặt với nhiều áp lực, nhưng anh luôn dùng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công để đối đãi với những tình huống xảy ra. Môi trường làm việc cũng trở nên dễ chịu hơn, nhiều đồng nghiệp đã nhìn thấy sự thay đổi này và bắt đầu tìm hiểu về Đại Pháp, có người đã bước vào cùng tu luyện.
Anh nhấn mạnh: “Nhiều sự việc trong xã hội trở nên rối ren phức tạp chỉ vì người ta lo sợ lợi ích cá nhân bị thiệt thòi, sợ mất mặt… thành ra ai cũng cố gắng vắt óc tìm ra những ‘chiêu thuật’ trong khi xử lý vấn đề. Khi bạn hiểu được quy luật nhân quả, luân hồi, sự tương sinh tương khắc thì những lo lắng kia trở thành vô nghĩa, bạn sẽ có thể thiện giải các mâu thuẫn, từ đó mà đơn giản hóa mọi sự tình”.
Nghiên cứu là một công việc khá đặc thù, đòi hỏi kinh nghiệm và niềm đam mê sáng tạo, sự chăm chỉ cũng rất cần thiết, nhưng dường như sự “may mắn” vẫn là không thể thiếu, do đó trong thực tế, rất nhiều dự án nghiên cứu có thể phải bỏ dở vì định hướng sai.
Các nguyên lý học được từ Đại Pháp giúp anh Ph.Đào tránh đi vào những hướng nghiên cứu không mang lại điều gì tốt đẹp cho nhân loại. Anh ưu tiên cho những giải pháp thân thiện với tự nhiên và con người, chú trọng đến sự hòa hợp với thiên nhiên, bởi anh hiểu rằng, nhân loại không thể phát minh được điều gì hoàn thiện hơn tự nhiên.
Ngoài ra, Pháp Luân Công cũng giúp anh có được một thân thể khỏe mạnh. Trước đây anh Ph.Đào từng mắc nhiều bệnh như xoang, thoái hóa cột sống, tuy không phải nan y nhưng cũng khiến anh triền miên khổ sở, nay không thuốc thang mà đã khỏi hết cả.
Anh Ph.Đào nhận định: “Xã hội ngày nay, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm nhiễm độc, công việc căng thẳng gấp gáp… người ta sớm muộn sẽ bị bệnh. Đủ loại bệnh phát sinh: huyết áp cao, tiểu đường, vô sinh, ung thư… toàn là thứ mà y học hiện đại chưa chắc đã chữa được. Có nhiều người chỉ sau tuổi 30 đã thân thể lệt bệt nặng nề bệnh tật, nhưng tôi đã thấy họ chân chính tu luyện theo Pháp Luân Công và mọi vấn đề đã được giải quyết”.
Theo anh Ph.Đào, lo lắng về cơm áo gạo tiền rồi bệnh tật là hai mối lo lớn nhất của đời người. Thoát khỏi hai cái đó, tinh thần sẽ thật là nhẹ nhàng, vậy nên mới nói người tu luyện là hạnh phúc nhất.
Không những vậy, tu luyện Pháp Luân Công cũng mang đến cho anh Ph.Đào một gia đình hạnh phúc. “Trong xã hội hiện đại đầy những cám dỗ và khi mà đạo đức không còn được coi trọng như trước đây nữa, người ta có thể sảy chân trượt ngã lúc nào không hay. ‘Công nghệ giám sát’ phát triển giúp bố mẹ theo dõi quản lý con cái chặt chẽ hơn, vợ chồng giám sát lẫn nhau nhưng dù vậy các vấn đề này khác vẫn xảy ra vì không thể trói được cái tâm người ta. Nhưng người tu luyện thì dù không có ai giám sát cũng tự nguyện tuân thủ làm một người tốt, vì ai cũng biết mình được gì và mất gì nếu phạm phải việc xấu. Cũng vì vậy mà gia đình tôi trở nên luôn hòa ái”.
Theo minhhue.net