Kể về hành trình lưu lạc sang Trung Quốc của mình, chị Hon khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Những tưởng nó chỉ có trong phim, nhưng lại xảy ra với chính cuộc đời chị…
Trưa 3/7, kết thúc những chuỗi ngày như sống trong địa ngục, chị Nguyễn Kim Hon (SN 1976) cuối cùng đã trở về với gia đình trong niềm hạnh phúc vô bờ. Họ nhìn nhau, ôm lấy nhau, không cần nói câu nào nhưng vẫn cảm nhận được sự thương nhớ mong chờ bấy lâu đã được giải tỏa, giọt nước mắt ấy rơi không phí, vì đó là chứng minh cho hạnh phúc không thể nói thành lời.
Sau những phút giây đoàn tụ đầy xúc động đó, chị bắt đầu mở lòng kể lại về khoảng thời gian sống tại Trung Quốc không khác gì địa ngục mà mình từng trải qua này.
Trốn khỏi động quỷ rồi bị bắt lại
Khoảng đầu năm 1997, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng cũ chỉ hơn một tháng chung sống. Chị Hon lúc ấy chỉ là một cô gái trẻ vừa bước qua độ tuổi 20. Có thời gian chị lang bạt sang tận Campuchia tìm việc rồi lại về phụ bán nước mía ở Xóm Lung.
Cái tuổi còn đẹp đẽ và năng động, hoạt bát, sau này chị lại tiếp tục đến Bạc Liêu để xin làm việc trong các nhà hàng phục vụ.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng gì, cô gái trẻ năm nào sắp phải đối mặt với chuỗi ngày sống không khác gì địa ngục.
Đó là vào một đêm 2/5/1997, chị Hon kể: “Đêm đó, có một thanh niên lớn hơn tôi chừng 2-3 tuổi nài ép tôi ăn một bát cơm có thức ăn đầy và một ly rượu màu. Thế rồi, tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình ở Trung Quốc”. Kể từ giây phút đó, cuộc đời của chị như bước sang một thế giới mới, nhưng nó không phải màu hồng như tuổi đôi mươi của chị. Nó là một màu đen kịt của những tháng ngày bị đối xử như con vật.
Ánh mắt hằn lên nỗi kinh sợ về quá khứ, chị tường thuật lại từ đầu đến cuối những lần bị tra tấn của mình. Chị nhớ rõ lúc bị nhốt, chị đã gặp rất nhiều cô gái trẻ xấu số cũng giống mình bị bắt trong cùng một căn phòng. Tất cả đều bị lừa bán, những số phận giống nhau, chỉ biết tuyệt vọng bấu víu lấy nhau chờ đợi những gì xảy đến với mình một cách chấp nhận.
Ngay tối hôm bị bắt, họ đem chị và các cô gái cho những khách làng chơi đến “mua vui”. Đa phần khách đều là những gã bặm trợn, đầu trọc, mắt híp, nghĩ tới đã thấy buồn nôn và kinh sợ. Chị và một vài cô gái không chịu tiếp khách sẽ bị chúng nhốt trong một phòng nhỏ khác và tra tấn dã man như thời Trung Cổ.
Quá sợ hãi những trận đòn roi, các cô gái dần dà phải chấp nhận tuân phục. Họ buộc phải lê lết theo những gã côn đồ này đi từ Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), sang tỉnh Phúc Kiến, Ôn Châu làm trò mua vui cho các đại gia.
Bọn chúng chưa từng coi các cô như một con người, chúng lợi dụng các cô gái trẻ như chị Hon để làm công cụ mua vui, và kiếm tiền, có lần bọn chúng bắt chị phải tiếp hơn chục khách một ngày cho bọn chúng.
Chịu không nổi, chị bắt đầu nuôi ý định bỏ trốn, canh lúc bọn chăn dắt lơ là, chị lén lút trốn ra khỏi động quỷ này, chị chạy thục mạng một đường thẳng, không dám ngoái đầu lại, không cần biết sẽ tới đâu, miễn là phải thoát, phải thoát…
Cuối cùng đến một nghĩa địa, chị mệt lã người rồi thiếp đi bên một ngôi mộ có mái vòm để ngủ. Đến khi tỉnh dậy, lại một lần nữa chị thấy mình lọt vào tay bọn buôn người cũ, đó là phút giây chị thấy suy sụp thật sự. Một mụ béo trắng bắt đầu đi tới, họ tiêm vào người chị một thứ thuốc nâu đục gì đó chị không rõ, nhưng sau đó chị bị ngất đi.
“Sau một đêm li bì, tôi bị tẩy não. Suốt 3 năm trời, tôi như người mất hồn, không nói được câu nào. Tôi cũng chẳng biết mình là ai, từ đâu tới. Khi hết thuốc thì quên luôn tiếng mẹ đẻ…Tuy vậy, trong tiềm thức của tôi luôn thường trực câu hỏi tôi là người dân tộc Choang, người Lào hay Thái Lan?”, Hon nhớ lại.
Video: Người phụ nữ miền Tây hội ngộ gia đình sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc. (Nguồn: VTV24)
Thân thể tàn tạ, làm dâu xứ người
Tổng cộng là 10 năm bị bóc lột thân thể, thấy chị đã không còn trẻ trung, thân thể gầy yếu, bọn chúng đem chị bán cho những người khác có nhu cầu tìm vợ để kiếm thêm chút đỉnh, vì giữ lại chị cũng không còn giá trị lợi dụng nữa.
Tại đây đa phần các cô gái bị bán sang Trung Quốc đều được gả cho những gia đình nông dân vùng xa xôi hẻo lánh, có người bị bán cho những gã thậm chí đã già khọm, những gã mất vợ hay những gia đình đang tìm người sinh con cho họ…
Trốn khỏi động quỷ chưa kịp vội mừng, lại tiếp tục bị tra tấn trong những lần bị ép làm vợ. Chị bị bán qua tay đến 4 – 5 gã đàn ông làm chồng, do không sinh được con cho họ.
Người gần nhất là người chồng đã chung sống cùng chị 8 năm trời. Họ bán chị cho ông ta với giá 6 vạn nhân dân tệ (trên 200 triệu đồng), lần này chị được yêu thương hơn, vì những người nhà nông nên chất phát, hiền lành, mẹ chồng là người dạy chị mọi thứ, và hay tâm sự cùng chị, điều đó cũng phần nào an ủi tâm hồn đã bị tổn thương từ sâu thẳm bên trong chị. Còn gì hơn là được yêu thương giữa nơi xa lạ này, không biết mình là ai, không một người thân. Thế nhưng trớ trêu thay cách đây 4 năm mẹ chồng chị mắc bạo bệnh đột ngột qua đời, trước khi nhắm mắt bà có nắm tay chị thủ thỉ: “Con đừng rời xa con mẹ nhé”.
Thương mẹ chồng chị làm dâu tròn bổn phận, chưa từng sai trái điều gì, hằng ngày phụ làm đồng án, chăm sóc gia đình, nhưng vì không sinh được con nên chồng chị bắt đầu đổi tính. Ông ta thường xuyên đánh đập vợ dã man dù đúng hay sai, dù là bất kể lý do gì.
“Ông ấy nhậu rượu đế, nhậu hàng ngày và sau mỗi lần nhậu là tôi bị đánh. Sau này thấy ông ấy nhậu là tôi không dám hé răng để tạm được yên thân. Có lần bị đánh vào hông đau dữ dội, tôi năn nỉ được chở vào bệnh viện nhưng không được. Tôi cứ chịu đựng qua cơn đau… Không cha không mẹ, không người thân quen, tôi phải sống một mình, tự làm hết mọi việc. Đó là những cái tôi sợ nhất khi nhớ về những tháng ngày bị đày đọa vừa qua,” chị Hon xúc động nói.
Chị vẫn luôn cam chịu như thế và giữ trọn lời hứa đấy thôi, nhưng sau những trận đòn roi đau đến thấu xương, người chồng chị còn mang thêm một cô vợ khác về nhà, sau đó tống cổ chị ra đường trong một đêm mưa bão vào cuối năm 2018.
Hồi phục ký ức từ 2 tiếng mẹ đẻ, ngày đoàn tụ không xa
Trong khoảng thời gian còn chung sống với chồng, có một lần chị xem phim thấy mang máng người ta nói hai từ “ăn cơm” rồi “một, hai, ba bốn”, “hai ngàn đồng”… sao mà quen thuộc quá, chị quay ra hỏi chồng đây là phim của nước nào thì chồng đáp: “Việt Nam”.
Hai từ Việt Nam thật thân thuộc, chị như bừng tỉnh, có gì đó lóe lên trong đầu chị những ký ức mập mờ về gia đình, những cái tên được hình thành, tên mẹ, tên anh chị, quê quán, ngôi nhà chị sinh sống ra sao. Chị khẳng định mình là người Việt Nam.
Kể từ đó chị đã nuôi ý định trở về nhà tìm lại người thân thật sự của mình. Đến khi bị đuổi đi rồi, không một đồng dính túi, chị lang thang khắp nơi kiếm sống, dành dụm mong ước đủ một số tiền đủ chỉ sẽ tìm về Việt Nam.
Vì không rành tiếng Việt nên con đường tìm về nhà của chị cũng gặp nhiều khó khăn. Qua 3 đồn cảnh sát, chị tới gần biên giới Việt Nam. Đến đây, chị gặp được những người ở Lạng Sơn và nhờ họ cứu giúp.
Thấy những người công an Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới chị mừng lắm, do không rành tiếng Việt, chị chỉ biết chỉ tay vào ngực nói “Việt Nam! Việt Nam!” để ra hiệu rồi khóc nức nở.
Vào Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, chị Hon như được hồi sinh. Chị bập bẹ nói được vài câu tiếng Việt. Khi được thành viên CLB “Thắp sáng niềm tin” động viên, an ủi, chị hoạt ngôn hẳn, không còn e dè, đề phòng như trước.
Bà Phạm Yến, Chủ nhiệm CLB “Thắp sáng niềm tin” cho biết: “CLB rất quan tâm đến các trường hợp bị bán trở về Trung Quốc. Đa số họ đều không còn nói được tiếng Việt nên Ban chủ nhiệm CLB cắt cử thành viên giỏi tiếng Trung để phiên dịch. Qua đó tìm ra manh mối quê quán, địa chỉ và họ tên thành viên trong gia đình chị Nguyễn Kim Hon”.
“Chúng tôi nhờ cộng đồng mạng Facebook, Zalo chia sẻ thông tin và may mắn chỉ sau 2 tiếng đồng hồ là có kết quả. Qua hình ảnh trực tiếp qua điện thoại, Hon òa khóc nức nở nhận ra và nói được tên một số người trong gia đình”, bà Yến cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tảng, người con thứ 5 thay mặt gia đình từ Bạc Liêu ra đón em rơm rớm nước mắt: “22 năm về trước mất em, chúng tôi đi tìm kiếm khắp nơi, sang cả Campuchia mà không có kết quả gì. Cho rằng Hon không còn, gia đình đã báo tử suốt 18 năm qua. Nay nhờ các cơ quan, đoàn thể, nhà thiện nguyện “Thắp sáng niềm tin” mà gia đình tôi được trùng phùng. Thật là kỳ diệu, các anh chị đã hồi sinh cho em Hon và cả gia đình chúng tôi”.