Sư tử đực phải trải qua những cuộc chiến sinh tồn đẫm máu, khiến số lượng sống sót tới tuổi trưởng thành chỉ bằng 1/3 so với sư tử cái, dù tỷ lệ giới tính khi sinh của loài động vật này hoàn toàn không chênh lệch.
Sư tử sinh sống chủ yếu trên các đồng cỏ nhiệt đới. Chúng sinh sống theo bầy đàn, gồm một con đực trưởng thành, nhiều con cái và những con con cả đực lẫn cái. Số lượng sư tử đực ít hơn nhiều so với sư tử cái khiến các chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã tò mò về số phận của những con sư tử đực biến mất.
Trong bộ phim mang tên Game of Lions (Trò chơi của những con sư tử), các nhà động vật học của Hiệp hội địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) đã tìm ra câu trả lời khi theo dõi cuộc sống của loài sư tử ở vùng đồng bằng sông Okavango, Cộng hòa Botswana, nơi tiếp giáp với sa mạc Kalahari. Khu vực này được mệnh danh là thiên đường của các loài động vật nhiệt đới như sư tử, báo, voi, trâu rừng, hà mã…. Trên thực thế, thế giới hoang dã luôn chứa đựng sự khắc nghiệt tới tột cùng. Sư tử không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngay từ khi chào đời, những con sư tử đã phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, khi chỉ 1 trong 8 con sư tử đực có thể sống tới tuổi trưởng thành.
Rất nhiều lý do khiến sư tử chết yểu như chấn thương, bệnh tật, thiếu thức ăn hay thậm chí bị giết bởi những con trưởng thành. Khi sống cùng bầy đàn, sư tử đực phải nỗ lực hết mình để học cách sinh tồn bởi khi chúng 2 năm tuổi, con sư tử đực đầu đàn – bố của tất cả những con sư tử con – sẽ đuổi những con đực ra khỏi đàn, mặc chúng tìm cách mưu sinh trong sự cô độc. Chỉ những con sư tử đực dũng mãnh, thông minh mới đủ khả năng sống sót trước khi trở thành “vua sư tử” thống lĩnh của một bầy. Dù sư tử Okavango là những con mèo lớn nhất hành tinh nhưng việc săn mồi đơn độc là thách thức không nhỏ. Trâu rừng Okavango, con mồi ưa thích của sư tử cũng không bé nhỏ.
Sư tử đực gần như không thể tự tạo ra bầy mới. Chúng buộc phải cướp bầy của những con sư tử khác. Vì thế, lãnh thổ của một con sư tử đực luôn bị nhiều kẻ thù dòm ngó. Nếu con đực không đủ sức bảo vệ lãnh thổ của mình trước những kẻ xâm lược, nó có thể bị giết hoặc bị đuổi khỏi đàn. Khi một con sư tử đực tới chiếm bầy, nó sẽ giết hết những con sư tử con trong đàn vì chúng không phải con của nó. Ngoài những tập tính sinh tồn, loài sư tử nói chung và những con sư tử đực nói riêng còn bị con người săn bắn. Beverly Joubert, hướng dẫn viên của đoàn làm phim National Geographic cho biết, châu Phi chỉ còn khoảng 20.000 – 30.000 cá thể sư tử sống trong môi trường hoang dã. Số lượng này giảm hơn 95% so với thống kê nửa thế kỷ trước.
Dù sư tử không mang lại nhiều giá trị kinh tế nhưng chúng vẫn bị sát hại bởi hư danh của những thợ săn, chủ yếu tới từ Mỹ. Các thợ săn giết khoảng 700 con sư tử mỗi năm, phần lớn là sư tử đực, để bổ sung vào danh sách thành tích cá nhân. Họ bẫy những loài ăn cỏ lớn và dùng chúng làm mồi nhử sư tử. Khi sư tử xuất hiện, thợ săn dễ dàng hạ sát chúng. Đa phần những con bị bắn hạ là sư tử đực, phải lang thang kiếm ăn vì chưa tìm được lãnh thổ cho riêng mình. Thông thường, sư tử đực chiến khoảng 23 – 30% trong tổng số. Tuy nhiên, thợ săn làm suy giảm nghiêm trọng tỉ lệ này. Theo thông kê mới nhất, số lượng sư tử đực ở thung lũng Luangwa của Zambia chỉ chiếm 8%, thấp gấp 4 lần so với tỷ lệ bình thường.
Các nhà làm phim của National Geographic hy vọng, bộ phim về cuộc chiến sinh tồn đẫm máu của loài sư tử giúp con người hiểu hơn về những hiểm họa mà loài động vật này đang phải đối mặt. Nó cũng cho thấy tác hại của những cuộc săn sư tử, đang trở thành mốt thời thượng ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Bộ phim cũng là tiếng chuông báo động về sự suy giảm số lượng sư tử trong môi trường hoang dã. Trịnh Duy Theo Tri Thức |