Thứ Tư (2/9), khoảng 150 triệu người lao động Ấn Độ, đã bắt đầu cuộc đình công dự kiến kéo dài 24 giờ để phản đối chính sách cải cách kinh tế của chính phủ. Họ cho rằng những biện pháp này chỉ gây tác hại xấu đối với vấn đề việc làm.
Hãng tin AFP cho biết, sau khi không đạt được kết quả tại các cuộc thương lượng với Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley, mười nghiệp đoàn Ấn Độ đã ủng hộ phong trào đình công phản đối những biện pháp của chính phủ.
Các nghiệp đoàn cũng yêu cầu chính phủ từ bỏ các dự án bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước để bù đắp ngân sách, hay đóng cửa các nhà máy có từ lâu năm. Họ cũng yêu cầu phải tăng mức lương tối thiểu.
Khoảng 150 triệu người trong các lĩnh vực ngân hàng, chế biến, xây dựng và khai thác mỏ đã tiến hành đình công. Phòng trào này cũng tác động tới lĩnh vực giao thông. Tại nhiều trạm xe buýt, người dân và học sinh xếp hàng dài chờ xe. Trong khi đó, hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay do lái xe taxi và xe kéo (rickshaw) cũng ngừng làm việc.
Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng cũng đóng cửa suốt ngày hôm nay. Các nhà báo, người giúp việc và tiểu thương cũng đã được kêu gọi tham gia phong trào để yêu cầu tăng mức lương tối thiểu.
Theo đài truyền hình địa phương, tại bang tây Bengal, nơi nghiệp đoàn có ảnh hưởng lớn, đường phố Calcutta hoàn toàn vắng bóng người, các cửa hàng và cơ quan đều đóng cửa.
Trong cuộc bầu cử vào tháng 05/2015, Thủ tướng Modi hứa cải cách nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phe đối lập đã cản đường rất nhiều cải cách chủ đạo, trong đó có việc lập thuế VAT quốc gia và các nhà đầu tư có quyền mua đất.
Vào quý I năm nay, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng thấp hơn so với mức 7% dự kiến. Nhiều chuyên gia nhận định, tiến hành cải cách là biện pháp cần thiết để ít nhất giữ vững được mức tăng trưởng này và để tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên.
Theo vi.rfi.fr