Trên mạng gần đây xuất hiện đoạn video quảng cáo ngắn trong đó có hình ảnh người chặn xe tăng trong sự kiện Lục Tứ xuất hiện trên ống kính máy ảnh Leica. Sau khi được đăng tải, đoạn video này và bất cứ bài viết có chứa từ “Leica” đều bị chặn.
- Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
- Ẩn tình đằng sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn 1989
Nguyên do hãng máy ảnh Leica bị Trung Quốc chặn
Hãng sản xuất máy ảnh Leica của Đức gần đây đã tạo ra làn sóng thảo luận sôi nổi trong cộng đồng người Hoa trên mạng Internet. Lý do là trên mạng xuất hiện một đoạn video quảng cáo dài khoảng 5 phút, do hãng RadioaktiveFilm sản xuất, đoạn video đã thể hiện một cách sinh động các phóng viên ảnh lưu lại những bằng chứng lịch sử chân thực và đáng quý trong các cuộc chiến tranh và xung đột. Mở đầu đoạn video là cảnh mà các nhà nhiếp ảnh đang đối mặt – những kẻ cướp có súng, người Trung Đông bị kẻ toàn trị xử tử, sói tuyết, người tị nạn chạy trốn, v.v, sau đó là cảnh quay với dòng chữ “Thiên An Môn năm 1989”, và đây chính là năm xảy ra sự kiện thảm sát Lục Tứ. Video có cảnh một số quân nhân nói tiếng Trung xuất hiện trong một khách sạn và tiến hành kiểm tra lục soát giấy tờ của phóng viên nước ngoài. Cuối cùng vị phóng viên này cầm máy ảnh hướng ra ngoài cửa sổ và chụp ảnh, trên ống kính xuất hiện cảnh tượng một người đứng chặn xe tăng trong sự kiện Lục Tứ.
Đoạn cuối video có viết, “Gửi tặng những người dùng đôi mắt của họ để cho chúng ta nhìn thấy [sự thật]” và sau đó là logo chính thức của Leica.
Phản ứng của truyền thông và cư dân mạng
Truyền thông Hồng Kông miêu tả, đoạn phim này dùng thủ pháp đan xen sự kiện để ẩn dụ việc tùy ý sát hại người dân vô tội của chính phủ đảng Cộng sản Trung Quốc giống với thổ phỉ, phần tử khủng bố; để che giấu sự thật và ngăn chặn việc phỏng vấn đưa tin, thậm chí họ còn đe dọa đến tính mạng của người đưa tin. Trong video đã xuất hiện hình ảnh “người chặn xe tăng” (còn được gọi là Tank Man) trong sự kiện Lục Tứ, và đoạn video được công bố đúng thời điểm sắp đến dịp kỷ niệm 30 sự kiện đàn áp Thiên An Môn; ý nghĩa của video là rất đặc biệt và được cư dân mạng ngoài Trung Quốc, cư dân mạng Đài Loan, Hồng Kông khen ngợi.
Tuy nhiên, cùng với đó, đoạn video này cũng bị hàng loạt cư dân mạng tại Trung Quốc công kích. Những bình luận trên Weibo chính thức của công ty Leica liên tiếp xuất hiện những đánh giá chính diện và phản diện. Do điện thoại của Huawei sử dụng ống kính camera của Leica, do đó không ít cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích cách làm của Leica “không xứng hợp tác với một Huawei yêu nước”, đồng thời lo lắng rằng Huawei sẽ chịu “chấn động” một cách “vô tội”, và yêu cầu Leica phải nói lời xin lỗi rõ ràng. Trong khi đó, video liên quan đã bị Weibo kiểm duyệt và chặn, bất cứ bài viết có chứa từ “Leica” (cả tiếng Trung) đều sẽ bị cho là vi phạm quy tắc cộng đồng của Weibo và không thể đăng, gửi hay chia sẻ.
Trước khi video bị xóa, cũng có không ít cư dân mạng tại Trung Quốc tranh thủ biểu đạt sự bất mãn với chính quyền Trung Quốc, liên tiếp có hình ảnh cây nến trong những bình luận, có người nói: “Lịch sử nên được nhiều người hơn nữa biết đến, ủng hộ sự chịu đựng của các bạn”.
Công ty Leica lên tiếng
Tuy nhiên, đoạn video này không phải do Leica chính thức công bố. Công ty Leica chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông rằng, đoạn video này không phải Leica ủy thác hay cho phép phát hành, công ty cũng cảm thấy đáng tiếc về việc gây hiểu nhầm kết luận sai.
SCMP chỉ ra, người tạo ra đoạn video này đã quay rất nhiều đoạn video giành được giải thưởng cho Leica trong vài năm qua, nhưng tác giả của video này vẫn chưa đưa ra trả lời nào.
Chia sẻ của lãnh tụ “Phong trào sinh viên Lục Tứ”
Lãnh tụ Phong trào sinh viên Lục Tứ Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo) hiện định cư tại Mỹ, đã chia sẻ với Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle) rằng, đoạn video quảng cáo của Leica thực sự đã thể hiện chân thực cảnh tượng xảy ra trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
“Khi đó đã có rất nhiều người vô tội đã mất mạng, nguyên do là vì họ dùng máy ảnh để ghi lại những sự việc xảy ra tại thời điểm đó, và họ trở thành những đối tượng bị chính phủ Trung Quốc công kích”, ông Chu Phong Tỏa cho biết thêm, “Tôi cho rằng, đoạn video quảng cáo có tên The Hunt này không chỉ đại biểu cho người theo đuổi và truy tìm sự thật, mà nó cũng cho thấy vì sao họ lại trở thành đối tượng truy sát của những kẻ đang nắm quyền”.
Ông Chu cảm thấy đáng tiếc khi Leica không muốn ủng hộ đoạn video này, “Việc này cho thấy rõ sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với công ty nước ngoài”. Ông nhấn mạnh, “Sự sợ hãi đối với sự thật của chính quyền Trung Quốc chính là nguyên nhân căn bản mà đoạn video quảng cáo này tạo ra sức ảnh hưởng khổng lồ, tôi tin rằng tương lai sẽ có nhiều thứ tương tự như đoạn video này được ra đời”.
Theo Trithucvn