Hiện nay, một số nước châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm (nhiệt độ trên dưới 50 độ C) làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn. Đặc biệt nhiều hiện tượng lạ lùng xuất hiện khiến dư luận sởn da gà.
Nắng nóng bất thường, hơn 700 người bị rắn cắn
Từ đầu năm đến nay, Malaysia đã phát hiện khoảng 730 trường bị rắn cắn, trong đó có một trường hợp tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cho là vì thời tiết nắng nóng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Bộ trưởng Bộ Y tế nước này, Tiến sĩ S. Subramaniam, cho biết khu vực xảy ra nhiều vụ rắn cắn nhất là các bang miền bắc như Kedah, Perak, nơi nhiệt độ tăng cao lên đến 39 độ C.
“Trời nóng khiến các loài bò sát như rắn sẽ chui ra khỏi nơi sống tự nhiên để tìm kiếm nơi có nhiệt độ mát hơn”, Bộ trưởng nói.
Do số vụ tấn công liên quan đến rắn ngày càng tăng, chính quyền nước này đã ban hành khuyến cáo người dân nên chủ động đối phó khi gặp nguy. Một điều đáng lưu ý là người bị rắn cắn nên nhanh tay dùng điện thoại chụp ảnh lại con vật đã cắn mình để các bác sĩ có thể xác định được loài rắn cụ thể và có hướng điều trị tối ưu.
Malaysia là nơi trú ngụ của nhiều loại rắn độc như: Rắn hổ mang Malayan, rắn hổ mang vua, rắn cạp nong, rắn hổ Monoled… Những vụ rắn cắn ngày càng nhiều và nguy hiểm khi ngày 19/4, một bé gái 8 tuổi, Niru Nadirah Ruslan, đã bị một con rắn độc cắn tại trường học. Cô bé đã tử vong ngay sau đó. Rõ ràng, việc trường học cũng xuất hiện rắn độc là mối nguy hiểm rất lớn cho các em nhỏ.
Hàng loạt nông dân tự tử vì nắng nóng kỷ lục
Nắng nóng đỉnh điểm ở nhiều bang của Ấn Độ thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc, không chỉ khiến mùa màng bị hủy hoại mà còn khiến tỷ lệ nông dân tự tử tăng. Trong khi nhiệt độ tại hầu hết các tỉnh phía bắc Ấn Độ đã vượt 40°C trong nhiều tuần qua thì tại tỉnh Rajasthan nhiệt độ có lúc lên tới 51°C, cao nhất trong lịch sử Ấn Độ và cao thứ 3 trên thế giới.
Với những người nông dân, hệ lụy do nắng nóng còn lớn hơn nhiều do mùa màng mất trắng. Hàng chục nghìn nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ ruộng đồng để tới các thành phố kiếm việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ tự tử của người nông dân Ấn Độ có xu hướng tăng. Theo Indian Express, ít nhất 36 nông dân ở khu vực Marathwada đã tìm đến cái chết chỉ trong một tuần. Trong vòng khoảng hơn 4 tháng, tổng số trường hợp tự tử lên tới 454 người, và lên tới gần 1.600 người trong vòng 16 tháng.
Tờ Press Times of India dẫn lời giới chức địa phương cho biết mực nước trong các đập ở khu vực chỉ còn khoảng 1%. Nắng nóng kỷ lục kéo theo hạn hán nghiêm trọng khiến mùa màng mất trắng, người nông dân ngập trong nợ nần. Với một số nông dân ở Ấn Độ, trong tình cảnh này họ không còn lựa chọn nào khác là tìm đến cái chết.
Nắng nóng, lạc đà nổi điên giết hại chủ
Sự việc xảy ra vào ngày 21/5, ở bang Rajasthan, tây nam Ấn Độ. Con vật bị để trong sân và phải đứng cả ngày dưới trời nắng 50 độ C. Theo The Times of India, người chủ quên cởi trói nó vì bận giao tiếp với khách trong nhà.
Khi nhớ ra, người đàn ông đến gần lạc đà, nó liền cắn vào cổ chủ và dằn người này xuống đất. Theo các nhân chứng, con vật tức giận cắn xé, quăng quật chủ từ bên này qua bên kia và cuối cùng cắn đứt đầu người đàn ông.
Theo nguồn tin, 25 người dân địa phương phải mất 6 giờ đồng hồ để làm cho con lạc đà bình tĩnh lại. Ngày 20/5, nắng nóng kỷ lục được ghi nhận ở Rajasthan: nhiệt độ không khí lên đến 51 độ C. Ngày này là nóng nhất được ghi nhận trong nước.
Hơn 2500 người tử vong vì nắng nóng
Báo Telegraph cho biết, cũng tại Ấn Độ hơn 2.500 người đã thiệt mạng vì nhiệt độ cao gần 50 độ C.
Ấn Độ trở thành nước có số người chết cao thứ 4 vì nắng nóng trong lịch sử, sau khu vực châu Âu (71.310 người chết năm 2003 và 3.418 trường hợp năm 2006) và Nga (55.736 ca tử vong năm 2010).
Bang Andhra Pradesh ở miền Nam là vùng có nhiều người chết nhất, chiếm 2/3 tổng số người thiệt mạng trên cả nước.
Một số địa phương đã có bão kèm sấm sét và mưa nhỏ góp phần giải nhiệt trong đợt nắng hạn. Theo CNN, nhiệt độ cao nhất của Ấn Độ vào ngày 1/6 là 45,4 độ C, đo tại thành phố Daltongan ở bang Jharkhand.
Nhựa đường nóng chảy
Nhựa tại một đoạn đường ở thủ đô Delhi của Ấn Độ tan chảy khi thời tiết ở quốc gia Nam Á lên tới gần 50 độ C. Hiện tượng nhựa đường nóng chảy được ghi nhận rõ nhất ở những khu vực kẻ vạch sơn.
Được biết, Ấn Độ đang hứng chịu đợt nắng kỷ lục. Các cơ quan dự báo thời tiết cho biết, đợt nóng này sẽ tiếp tục kéo dài và tác động mạnh mẽ hơn trong những ngày tới.