Cảnh sát Hàn Quốc vừa bắt giữ các đối tượng trong đường dây đưa 100 người Việt sang Hàn Quốc nhằm cư trú bất hợp pháp bằng đường biển. Cũng theo thống kê của Tổng cục du lịch Hàn thì mỗi ngày có đến 100 người đến nơi đây du lịch rồi trốn ở lại.
Ngày 24/2, Đội phòng chống tội phạm quốc tế, Sở cảnh sát Busan, thành phố cảng lớn thứ 2 nằm ở phía nam Hàn Quốc cho biết, họ đã phá một đường dây dự định đưa 100 người Việt Nam xâm nhập bất hợp pháp vào Hàn Quốc bằng đường biển.
Các đối tượng bị bắt gồm S (đối tượng cầm đầu đường dây, 60 tuổi), O (chủ môi giới, 52 tuổi) và K (môi giới, 55 tuổi).
Ngoài ra, Cảnh sát Busan cũng ra lệnh bắt để điều tra (không tạm giam mà cho tại ngoại) đối tượng K (môi giới, 57 tuổi) và đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với J (môi giới, 35 tuổi, được cho là đang cư trú ở Việt Nam). Được biết, những sự việc như thế này xảy ra rất thường xuyên tại Hàn.
Số người cứ trú bất hợp pháp tăng đột biến, mỗi ngày có 100 người trốn
Theo thông báo của Tổng cục du lịch, số người Việt Nam lợi dụng chính sách ưu đãi visa Hàn Quốc 5 năm cư trú bất hợp pháp tăng đột biến với khoảng 2.000 trường hợp. (Chính sách cấp ưu đãi visa dài hạn 5 năm cho người có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại ba thành phố lớn ở Việt Nam).
Đặc biệt trong tháng 5/2019, mỗi ngày có đến 100 người đến Hàn Quốc bằng con đường du lịch rồi trốn ở lại.
Theo số liệu từ Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 215.000 lượt khách Việt đến du lịch nước này, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018.
Đường dây làm giả giấy tờ mọc lên như nấm, chào mời khách công khai
Để hạn chế tình trạng cư trú trái phép trên, vào ngày 10/6 mới đây, Hàn Quốc đã điều chỉnh lại chính sách cấp visa, theo đó nước này chỉ cấp visa 5 năm cho những người có hộ khẩu thường trú tại 3 thành phố lớn.
Tuy nhiên, chính sách mới của Hàn dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vì hàng ngàn cơ sở làm giấy tờ giả đã mọc lên như nấm, công khai chào mời khách, do vậy để làm giả sổ hộ khẩu (thường trú) cũng là việc rất dễ dàng.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh tiếp tục là 3 địa phương dẫn đầu về số quận, huyện bị cấm, trong đó cao nhất là tỉnh Nghệ An với 10 huyện/thành thị; Hà Tĩnh có 7 huyện và Thanh Hóa có 5 đơn vị.
Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các văn phòng của tòa lãnh sự Hàn lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Tính đến nay, cơ quan này đã cấp 16,000 thị thực cho công dân ở ba thành phố được ưu tiên để đi du lịch sang Hàn Quốc.
Bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và những hệ lụy
Theo như pháp luật Hàn Quốc, những lao động Việt đang trốn ra ngoài làm việc khi đã hết hợp đồng hoặc những cư dân nước ngoài cư trú tại Hàn khi đã hết hạn thị thực là vi phạm luật pháp nơi đây.
Theo đó, những người này có thể bị Công an Hàn truy bắt, kiểm tra bất cứ lúc nào. Đặc biệt nếu lỡ bị bắt khi khoản tiền họ kiếm được chưa kịp về Việt Nam thì chúng sẽ bị mất.
Ngoài ra, người cư trú bất hợp pháp còn bị phạt một khoản tiền rất lớn và bị cấm nhập cảnh tối đa là 10 năm kể từ ngày xuất cảnh.
Và không chỉ những người cư trú bất hợp pháp này bị mất cơ hội sang xứ Kim Chi để XKLĐ mà ngay cả những lao động khác của đất nước cũng bị ảnh hưởng theo.
Vũ Tuấn (t/h)