Hạ viện Mỹ vừa phê chuẩn kế hoạch huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng phiến quân ôn hòa ở Syria do Tổng thống Obama vạch ra.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa bàn về khả năng sẽ cung cấp vũ khí tối tân cần có để giúp lực lượng này đánh bại ISIS.
Kế hoạch được Hạ viện Mỹ thông qua với 273 phiếu thuận và 156 phiếu chống. Kết quả bỏ phiếu được xem như hàn thử biểu về mức độ ủng hộ Tổng thống Obama đối với chiến dịch “triệt phá và tiêu diệt tận gốc” ISIS, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo hiện chiếm đóng 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, công khai tuyên chiến với phương Tây và nỗ lực thiết lập đế chế Hồi giáo tại trung Trung Đông.
Dưới dạng bản sửa đổi cho dự luật chi tiêu tạm thời, quyết định vừa được thông qua không bao gồm bất kì khoản chi phí nào cho vũ khí và huấn luyện quân sự. Dự luật có được phiếu bầu của các nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng Hòa, tuy cũng vấp phải sự phản đối đáng kể từ phần còn lại của hai phe. Cụ thể, đảng Cộng hòa với 159 phiếu thuận và 71 phiếu chống, còn đảng Dân chủ có số phiếu bầu tương ứng là 114 và 85.
Dự luật chi tiêu, trong đó có cả chi phí cho huấn luyện quân sự, sẽ được chuyển tới Tổng thống Obama kí duyệt thành luật sau khi Thượng Viện thông qua. Theo dự kiến, quy trình này sẽ được hoàn tất chậm nhất là vào thứ Năm này.
Đối mặt với sự phản đối từ các nhà lập pháp chống chiến tranh thuộc chính đảng Dân chủ, chính phủ ông Obama phải tìm kiếm sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa. Tại một bữa tiệc ngoài trời thường niên dành cho thành viên Quốc hội do Tổng thống Obama chủ trì hôm Thứ Tư (17/9), ông đã gửi lời cảm ơn đến Hạ viện của cả hai đảng, “những người đã cùng ý chí thông qua bước then chốt trong chiến lược đối phó tổ chức khủng bố tàn bạo này”.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, dù ủng hộ chiến dịch không kích tiêu diệt ISIS của ông Obama, dân Mỹ đa số không tán thành chiến dịch quân sự dài hạn chống lại tổ chức này.
Dự luật được Hạ viện hậu thuẫn chỉ có hạn đến ngày 11/12. Dự luật cho phép Lầu Năm Góc đề xuất yêu cầu chuyển tiền ngân sách phục vụ nhu cầu chi tiêu cho kế hoạch chống ISIS. Việc bản sửa đổi dự luật không đưa ra chi tiết về kế hoạch huấn luyện khiến các nhà lập pháp lo ngại rằng tấm phiếu “thuận” có thể chính là vé thông hành đưa các trang thiết bị quân sự đến nhầm đối tượng, thậm chí khả năng vũ khí quân sự Mỹ lại được dùng để tấn công chính họ.
Những vấn đề không được giải đáp
“Có quá nhiều vấn về chưa thỏa đáng đến nỗi tôi không thể ủng hộ bản sửa đổi luật này”, Barbara Lee, nghị sĩ đảng Dân chủ tại California nói. “Làm sao chúng ta có thể chắc rằng vũ khí của Mỹ cấp cho phiến quân Syria không bị trao nhầm, vì điều này từng xảy ra khi chúng ta viện trợ cho quân nổi dậy Libya”.
Bản sửa đổi không bao gồm 500 triệu USD Nhà Trắng đề xuất để trang bị và huấn luyện cho phiến quân, lực lượng đã tiến hành cuộc chiến kéo dài 3 năm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Dự luật được soạn thảo tức thì để nhanh chóng cấp thẩm quyền mà ông Obama mong muốn, trong khi tránh được các tranh cãi về chi phí.
Oubai Shahbanda, cố vấn cấp cao cho Liên minh Quốc gia Syria, tổ chức đối lập chính trị được phương Tây hậu thuẫn, nhận định, Hạ viện đã tán thành “một bước tiến quan trọng” trong việc thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa Washington và phe đối lập ở Syria. “Chúng ta đang nỗ lực nhằm giúp Quân đội Syria Tự do trở thành giải pháp duy nhất để triệt phá và tiêu diệt tận gốc ISIS. Chúng ta còn một hành trình dài phía trước, nhưng ủng hộ nhiệt tình từ phía Quốc hội Mỹ đối với sự nghiệp của Syria là rất quý báu”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tuần trước, Tổng thống Obama thể hiện mong muốn huấn luyện và trang bị cho lực lượng Quân đội Syria Tự do nhằm “tăng cường năng lực cho lực lượng đối kháng để trở thành đối trọng áp đảo những kẻ cực đoan”, giúp Mỹ tránh khỏi nguy cơ “bị lôi kéo vào một chiến trường khác”.
Những lo ngại quân đội Mỹ có thể dấn sâu hơn trong cuộc chiến này được Đại tướng Martin Dempsey thổi bùng lên vào Thứ Ba (16/9). Tướng Dempsey là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kì, người chỉ ra khả năng quân đội Mỹ có thể cần phải đảm nhiệm vai trò lớn hơn tại chiến trường Iraq.
Các quan chức quốc phòng cho biết, họ dự tính chiêu mộ và huấn luyện khoảng 5.000 binh sĩ thuộc phe nổi dậy ôn hòa.
Giới chức quân đội Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc nhất trí viện trợ cho lực lượng phiến quân vũ khí hạng nhẹ như đạn dược, địa pháo, tên lửa chống tăng và đạn cối.
Đại diện phe Cộng hòa tại Oklahoma, ông Tom Cole, thành viên của Tiểu ủy ban đặc trách Quốc phòng thuộc Hạ viện cho rằng, chương trình có thể bắt đầu với vũ khí hạng nhẹ rồi sau đó chuyển sang vũ khí hạng nặng như “xe bọc thép, đạn pháo, phương tiện phòng không”, nhưng từ chối cho biết liệu những kế hoạch như thế này có được thảo luận cụ thể hay không.
Hàn Mai, Bùi Hương@tinhhoa.net
Theo Reuters