Để phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), Chính phủ đã yêu cầu TP. HCM và Hà Nội tích trữ lương thực, thực phẩm,… chuẩn bị cho tình huống “cách ly toàn thành phố”. Thời gian 14 ngày tới sẽ quyết định Việt Nam thành công hay thất bại trong phòng chống dịch virus Vũ Hán.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch virus Vũ Hán (Covid-19) tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây.
Nguyên do là các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 60,1% số ca không có triệu chứng khi phát hiện nhiễm virus, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm virus Vũ Hán (Covid-19) ở cộng đồng trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ khá cao.
Hà Nội – TP. HCM chuẩn bị mọi phương án cách ly
Vào sáng hôm qua (29/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Phát biểu tại cuộc họp, thủ tướng Xuân Phúc cho biết, 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định Việt Nam thành công hay thất bại trong chống dịch virus Vũ Hán (Covid-19).
Do đó, các thành phố phải chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết,… để ứng phó khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ngoài các biện pháp chung, các thành phố phải có giải pháp riêng phù hợp với đặc thù từng nơi, trong đó tập trung vào các khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông,… chính quyền cấp cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để phát hiện sớm nhất các nguồn lây.
Theo thủ tướng, 5 thành phố lớn đóng vai trò chính trong phòng, chống dịch virus Vũ Hán, kết quả phòng, chống dịch virus Vũ Hán tại đây có ý nghĩa quyết định đến kết quả chung của cả nước. Do đó, tại những thành phố này phải chuẩn bị mọi phương án cách ly, kể cả áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật.
Theo đó, Bộ Y tế, Công an, UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải dồn lực xử lý triệt để các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha.
Trong 2 tuần tới, Bộ Giao thông Vận Tải có trách nhiệm chỉ đạo dừng các chuyến bay đến Việt Nam, hạn chế tối đa các chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành khác và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó, các chuyến xe lửa, xe khách, xe buýt,… vận chuyển hành khách phải giãn cách.
Đặc biệt, những người không khai báo hoặc khai báo lịch sử dịch tễ không đúng, không chấp hành cách ly, có thể bị xử lý hình sự.
Về các phương án cách ly, trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch virus Vũ Hán vào ngày 23/3, Thủ tướng Xuân Phúc đã cho phép huy động các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú làm nơi cách ly tập trung có thu phí.
Có thể xử phạt người không đeo khẩu trang ở tất cả các địa phương
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện tại chỉ có TP. HCM và Hà Nội đang thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người,… đề nghị các tỉnh, thành, địa phương khác cần nghiên cứu làm theo.
“TP.HCM đã đưa ra phương châm người dân không làm việc với người không đeo khẩu trang, đây là điểm mới, đáng chú ý“, Thủ tướng cho hay.
Tại Hà Nội, Công an P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình (TP.Hà Nội) đã lập biên bản xử phạt 3 trường hợp không đeo khẩu trang ở khu vực công cộng với mức phạt 200.000 đồng/người, theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 của Chính phủ.
Từ Nguyên (t/h)