Đây là thông tin được thượng tá Lê Huy – Phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 1/12 vừa qua.
Tại buổi họp báo, ông Lê Huy đã cho biết thông tin gây bất ngờ với nhiều người về đường dây mua bán thận, đây là loại tội phạm mới đặc biệt nguy hiểm.
“Đối tượng ngoài tỉnh về thuê nhà tại địa bàn thành phố để tìm các thanh niên khỏe mạnh có nhu cầu bán thận sau đó cấu kết với các đối tượng ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nam Định làm giả giấy tờ đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế bán thận với giá 150-200 triệu đồng. Còn người bán chỉ nhận được từ 100-150 triệu đồng”, ông Huy cho biết.
Thông tin được biết, đa số những người bán thận là thanh niên, người nghèo, “con nợ”… những người được cho là trong “bước đường cùng” về tài chính, liều mình bán thận để trả nợ hoặc trang trải cuộc sống.
Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi, trú tại Hải Phòng) về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhằm mục đích hợp pháp hóa cho những phi vụ môi giới mua bán thận kiếm lợi nhuận. Liên quan đến vụ việc, Lê Thị Yến (50 tuổi, trú tại TP Nam Định) và 1 người khác cũng bị điều tra.
Thông tin trên báo Gia Đình và Xã Hội, theo lời khai của những đối tượng, họ cho biết đã câu kết với nhau để hình thành một đường dây môi giới mua bán thận cho những người có nhu cầu ghép thận. Vai trò của bà Yến là biết ai có nhu cầu muốn mua thận để ghép hoặc bán thì liên hệ với Dũng để tìm người bán. Còn Dũng lên mạng Internet, gọi đến những số điện thoại liên hệ để lại của những người có nhu cầu bán thận và thỏa thuận với họ giá cả, thường là 150 triệu đồng/quả thận.
Với mỗi ca ghép, người mua thận phải chi trả thường từ 220 triệu đến 300 triệu cho phía môi giới và bán thận. Sau khi chi trả hết các chi phí, trả cho bà Yến tiền môi giới khoảng 3-5 triệu đồng thì Dũng kiếm được khoảng 25-30 triệu đồng/ca.
Theo quy định, một ca ghép thận trước khi tiến hành thì phải có rất nhiều giấy tờ như: Giấy xác nhận người cho thận và người bán thận có mối quan hệ anh em, họ hàng; giấy cam kết của người đại diện gia đình người cho thận đồng ý cho thận..v.v.. Các đối tượng buôn bán thận thường làm giả tất cả các giấy tờ này để qua mặt cơ quan chức năng.
Ở Việt Nam, đáng báo động là nhiều ca ghép thận được thực hiện không phải từ những quả thận được tự nguyện hiến tặng (hoặc bán) mà bị lừa mua, ‘dụ dỗ’ từ những người cả tin, thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn… Nhiều bác sĩ cũng liên quan tới các cửa thủ tục để mua bán, cấy ghép thận trót lọt.
Theo Daikynguyenvn