Khu vực ngã 3 hoặc đầu ngõ hẻm là nơi để các lao công thu gom rác vào khung giờ nhất định, nhưng một số người đi làm về muộn hoặc tiện đi ra ngoài thì mang mang rác ra đây vứt sẵn, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cảnh quan của đường ngõ xóm.
Bà Hoàng Thanh Mai, 70 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 22, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, mỗi khi họp tổ dân phố, mọi người đều nhắc đến vấn nạn xả rác trộm vào ban đêm gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã làm nhiều cách để khắc phục như cho lắp camera giám sát, dán biển thông báo “đổ rác tóm được phạt 2 triệu” nhưng tình hình vẫn không cải thiện là bao.
“Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp, nhưng kết quả vẫn vậy. Vứt ban ngày không được, họ chuyển sang vứt đêm, thậm chí còn canh cả góc camera để tránh né. Đâu có ai rảnh mà ngồi đấy canh cả ngày được, gặp người không có ý thức thì chịu.” – H.A một người dân sống ở khu vực này cũng cho hay.
Bác Đỗ Đức Thắng (66 tuổi) sinh sống tại khu vực ngã 3 ngõ cũng tỏ ra khá bức xúc khi hằng ngày phải thường xuyên chịu cảnh hôi thối xú uế của rác thải.
Nhận ra tình hình đó bà Mai nảy ra ý tưởng: gắn những tấm hình người đổ trộm rác lên cột điện để răn đe”.
Bà Mai cho hay, bà sẽ trích xuất những bức ảnh lấy được từ camera, sau đó đem đi ép plastic và dán ngay cột điện thường xuyên bị vứt rác.
“Chỉ sau 2 ngày thực hiện sáng kiến, đã không còn ai đến xả rác nữa. Trước đây mỗi buổi chiều đi làm về, tôi phải mất thời gian dọn dẹp rất nhiều rác thải án ngữ trước cổng để vào nhà”, chị Linh, chủ hộ ở ngay sau cây cột điện này cũng vui vẻ kể.
Bà Mai cũng cho biết thêm, từ hồi triển khai ý tưởng này, hiện tượng vứt rác nay đã không còn. Nhiều người dân đã có ý kiến lắp đặt thêm camera giám sát để bêu hình ảnh những người vứt rác bừa bãi tại một số đoạn trong ngõ nữa, nhưng hiện nay chỉ mới có được 1 địa điểm có camera, còn lại thì hội viên hội phụ nữ và tổ dân phố cắt cử nhau ra giám sát và bắt quả tang người vi phạm.
Nằm trong số những người từng đổ rác trộm, một sinh viên thuê trọ ở đây cho biết rất bất ngờ khi thấy hình ảnh của mình treo ở cột điện cùng nhiều người khác. Cậu tự biết lỗi và đã nhắc nhở mọi người trong nhà trọ buộc ngăn nắp rác thành túi, sau đó tập kết lại trong khu, chờ nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom. “Tôi không dám bảo chủ nhà gỡ những tấm ảnh đó xuống vì cảm thấy ngại và xấu hổ”, chàng trai giấu tên chia sẻ.
Hình thức lắp camera này được áp dụng từ tháng 7/2018 và hiện nay đã phát huy tác dụng đáng kể, việc đổ trộm rác vào ban đêm đã chấm dứt, song theo bà Mai, tổ dân phố vẫn giữ chúng lại, bởi nếu tháo ra, tình trạng xả rác bừa bãi có thể quay trở lại. Bà cũng đề xuất tới các tổ dân phố khác cách làm tương tự để có thể giữ gìn nếp sống văn minh.
Anh thư (t/h)
Xem thêm:
- 70 tuổi ngày ngày vẫn đi dọn rác ở bãi biển: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu
- Cộng đồng Việt hào hứng với ‘trào lưu’ dọn sạch rác nơi công cộng
- Nhật Bản: Nhặt rác theo phong cách samurai